Sản xuất công nghiệp: Bắt nhịp ngay từ đầu năm

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:52, 31/01/2022

(VLR) Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2022 tăng 2.4% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%, đồng thời tiếp tục là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 tăng 2,4%

Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 tăng 2,4%

Sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, do là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% và đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đáng chú ý, sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất tháng 01/2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khai thác quặng kim loại tăng 21,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; sản xuất trang phục tăng 11,4%; dệt tăng 8,8%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,1%.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp của một số ngành lại giảm như: Sản xuất đồ uống giảm 2,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 3,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,7%.

Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 01/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Alumin tăng 35,7%; thép thanh, thép góc tăng 20,3%; sữa bột tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,6%; bột ngọt tăng 15,4%; thủy hải sản chế biến tăng 13,8%; ô tô tăng 11,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,7%.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/01/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 233 triệu USD, chiếm 60,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. “Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Nhìn nhận về chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2022, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, theo đó đã thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung.

Đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. “Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô…”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cùng với đó, tích cực mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân (như các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tín dụng, tiền tệ, an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cũng trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp.

Báo Công Thương