Năm 2022, ngành Da - Giầy - Túi xách đặt mục tiêu đạt 23 - 25 tỷ USD
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:30, 22/01/2022
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết ngành Da - Giầy – Túi xách năm 2021 và khai trương Văn phòng đại diện tại TP. HCM
Xuất khẩu da - giầy - túi xách tăng trưởng trong khó khăn
Từ tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhất là từ cuối tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam. Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài hơn 5 tháng theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da - giầy - túi xách tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang,… - những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da - giầy - túi xách lớn trong các khu công nghiệp, chiếm gần 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đóng cửa, do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da - giầy - túi xách hoạt động chỉ với công suất 50% - 80%, do phải giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Tại các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất cũng bị suy giảm do người lao động phải làm việc giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động). Các doanh nghiệp da - giầy - túi xách bị thiệt hại lớn do phải ngừng/giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động…
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5 - 10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước tình hình khó khăn của toàn ngành, trong năm 2021, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gỡ bỏ những quy định cản trở sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên do các quy định còn chặt chẽ về điều kiện được thụ hưởng và thủ tục hành chính phiền phức, đã khiến doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da- Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) trao đổi, chia sẻ những cách thức tiếp cận mới để phát triển ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh (khoảng tháng 5 - 8/2021), khi đó nguồn vắc xin còn khan hiếm, để chủ động phòng chống dịch, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ cho phép doanh nghiệp được mua/tiêm vắc xin nhằm đảmbảo lực lượng lao động, duy trì sản xuất ổn định và hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, Lefaso đã cùng nhiều Hiệp hội khác có nhiều kiến nghị giúp điều chỉnh kịp thời các văn bản dưới luật gây cản trở cho phù hợp với tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Từ tháng 10/2021 tình hình dịch bệnh đã được cải thiện tại các tỉnh phía Nam, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” trên tinh thần sống chung với dịch bệnh theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP ngày 11/10/2021. Nhiều lao động bỏ về quê tránh dịch bệnh trong các tháng 8 và 9 đã quay lại sản xuất, các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng chia sẻ kinh nghiệm vượt thắng COVID-19 ổn định sản xuất khẩu của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đã tận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc trên cơ sở tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt là tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021. Tính chung cả năm 2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành Da - giầy - túi xách tăng 5,2% so với cả năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9,9% của năm 2019.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy túi xách đạt 20,78 tỷ USD (tăng 4,6%), trong đó xuất khẩu giầy dép đạt 17,77 tỷ USD (tăng 6,1%) và valy - túi - cặp đạt gần 3,01 tỷ USD (giảm 3,2%) so với năm 2020. Mỹ là thị trường nhập khẩu da giầy túi xách lớn nhất của Việt Nam, đạt 8.764,6 triệu USD (15,8 %). Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 đạt 1.718,3 triệu USD (-22.3%), Nhật Bản đạt 1.066,7 triệu USD (-10.1%).
Những nỗ lực đáng được ghi nhận
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất phục hồi trong giai đoạn “bình thường mới”.
Lefaso đã cập nhật thông tin, phổ biến và đưa ra giải đáp qua các câu hỏi của doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Tham vấn pháp luật và góp ý cải cách các chính sách Nhà nước như kiến nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp được mua/tiêm vắc xin COVID-19, kiến nghị sửa đổi Nghị định 18/2021/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng và lương tối thiểu giờ; Đồng thời, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hiệp hội Lefaco vẫn duy trì tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo chuyên đề quan trọng qua hình thức trực tuyến.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Lefaso thông tin về hoạt động ngành
Trong năm 2022, Hiệp hội sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường các hoạt động theo các phương hướng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Tham gia các hoạt động tham vấn, góp ý kiến với các cơ quan nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch COVID có thể được kiểm soát nhờ tiêm chủng vắc xin COVID-19 diện rộng và đủ liều.
Thường xuyên cập nhật và nâng cấp cơ sở dữ liệu về ngành Da - giầy - túi xách trên Cổng thông tin điện tử của Lefaso.
Đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da - giầy - túi xách nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.
Tổ chức tốt các sự kiện xúc tiến thương mại, kết hợp hình thức trực tuyến: các hội thảo, đào tạo nâng cao năng lực quản lý sản xuất cho doanh nghiệp và tham dự các hội chợ nước ngoài theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với chất lượng cao.
Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức tốt Triển lãm Da - Giầy - Túi xách Quốc tế; Hội nghị thượng đỉnh ngành Da - Giầy - Túi xách và Hội nghị xúc tiến thương mại vào tháng 7 hàng năm tại TP. HCM.
Đồng thời, triển khai các hoạt động tuyên truyền và xây dựng các bộ tài liệu, sổ tay hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi theo các FTA đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA và các hiệp định đã ký kết dự kiến có hiệu lực trong năm 2021 (RCEP và UKFTA).