Tiêu chí về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sức ép với chuỗi cung ứng
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 14:58, 27/09/2023
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngày 8/9/2023, Iceland đã gửi một cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về Thực phẩm của Liên minh châu Âu về hàm lượng cao Carbaryl (thuốc trừ sâu) trong quả bòn bon (langsat) của Việt Nam.
Theo thông báo mới nhất của Iceland, hàm lượng Carbaryl có trong quả bòn bon đang ở mức cao và có khả năng gây hại cho con người. Hàm lượng tối đa cho phép của Carbaryl là 0,01mg/kg - ppm, nhưng hàm lượng Carbaryl được phát hiện trên bòn bon của Việt Nam xuất khẩu sang Iceland lên tới 15,4 +/-50% mg/kg - ppm. Các cơ quan chức năng của Iceland đánh giá đây là một trường hợp nghiêm trọng và hiện tại, nước này đã hạn chế việc phân phối quả bòn bon nhập khẩu từ Việt Nam trên thị trường của họ và thông báo lên trên hệ thống cảnh báo.
Đây là lô hàng của một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh xuất sang EU, tổng trọng lượng là 386 kg, trị giá 1.015 USD với 46 sản phẩm nông sản, bao gồm các loại rau, củ, quả như rau muống, rau răm, tía tô, rau nhút, rau cải, rau kinh giới, quả đu đủ, quả bầu… Trong đó, quả bòn bon chỉ 10kg, trị giá 32 USD, theo hóa đơn của đơn vị xuất khẩu sang Iceland.
Trong toàn bộ lô hàng 46 sản phẩm này, chỉ có 10kg là quả bòn bon bị vi phạm vượt ngưỡng giới hạn mức tối đa cho phép của chất Carbaryl theo quy định của EU.
Hiện các nhà xuất khẩu nông sản chuyên nghiệp của Việt Nam về cơ bản đã hiểu rõ các quy định của thị trường. Tuy nhiên, còn một số trường hợp là nhóm người đi thăm thân, họ gửi hàng sang hoặc là học sinh, sinh viên đi học mang theo các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Hoặc là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, tức là đưa sang một số lượng hàng rất ít, điển hình như trường hợp lô hàng có 10 kg quả bòn bon bị cảnh báo. Chỉ có 10 kg quả bòn bon bị cảnh báo bởi một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ, nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Về xử lý hàng vi phạm, có nhiều hình thức cảnh báo và biện pháp khác nhau, tùy theo mức độ vi phạm. Ở mức độ nhẹ là thông báo cho nhà sản xuất, cao hơn là bị tiêu hủy tại nước nhập khẩu hoặc bị trả lại hàng. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở những con số có thể đo đếm được bằng tiền. Quan trọng hơn, đó chính là thương hiệu, uy tín của toàn bộ ngành hàng nông sản Việt nếu bị đánh mất thì sẽ khó lấy lại.
Trong câu chuyện về xây dựng thương hiệu nông sản tại thị trường xuất khẩu EU, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh rằng chúng ta cần chắc chắn nền tảng từ gốc đó là chất lượng, cần thuyết phục được thị trường xuất khẩu bằng chất lượng, sau đó, mới là câu chuyện xây dựng thương hiệu.
Hiện EU đặt ra khoảng hơn 500 tiêu chí về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cần phải kiểm soát. Các tiêu chí này tạo nên sức ép rất lớn cho toàn bộ chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu.
EU là thị trường khó tính và doanh nghiệp cần liên tục cập nhật các vấn đề liên quan đến việc kiểm soát chất lượng. Năm nay, có thể chỉ dừng ở con số 507 tiêu chí về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên, sang năm, con số này có thể tăng thêm 1-2 tiêu chí nữa. Họ liên tục cập nhật thị trường để làm sao đảm bảo tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín, cũng như vị thế của nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo, khi người dân, doanh nghiệp mang sản phẩm nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài, phải tìm hiểu rõ quy định của nước đó về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bởi vì mỗi thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đều có những quy định khác nhau về đối tượng kiểm dịch, mức dư lượng, trình tự thủ tục…
Chúng ta cần phải hiểu rằng khi đã tham gia vào WTO thì phải cam kết tuân thủ hiệp định về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (Hiệp định SPS) trong thương mại nông sản. Lưu ý, hiện nay, Việt Nam đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các cam kết về SPS.
Và các cam kết về SPS là biện pháp bắt buộc áp dụng, không phân biệt đối xử, không phân biệt thành phần, cá nhân hay tổ chức, trong nước hay ngoài nước… khi đã bị vi phạm thì đều bị xử lý theo cam kết mà Việt Nam đã tham gia.
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong thời gian qua, nông sản Việt Nam đã được nhiều nước đánh giá cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh.
Việt Nam hiện đang thực hiện rất nghiêm túc các cam kết khi tham gia Hiệp định SPS. Bài học của 10 kg quả bòn bon với trị 32 USD là quan trọng, đáng được rút ra.
Bởi giống như chúng ta đi vào đường ngược chiều, dù bất cứ lý do gì thì cũng vẫn là sai và sẽ bị phạt. Trong câu chuyện kiểm soát an toàn thực phẩm không có câu chuyện "xin cho", bởi vì vấn đề này ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tham gia sân chơi hội nhập, chúng ta phải tôn trọng các cam kết, bắt buộc phải thực hiện, điều này tốt cho cả chúng ta và cho cả đối tác.
Và để hạn chế đáng kể các vụ cảnh báo, gây thiệt hại cho không chỉ doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu của toàn bộ ngành hàng nông sản, có lẽ không chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng mà cần sự vào ý thức của bản thân mỗi doanh nghiệp và của mỗi người sản xuất ra sản phẩm.
* Carbaryl là một loại thuốc trừ sâu do con người tạo ra, có độc tính cao đối với côn trùng. Hoạt chất này thường được sử dụng để kiểm soát rệp, kiến lửa, bọ chét, bọ ve, nhện và nhiều loài côn trùng gây hại ngoài trời khác. Carbaryl đã được đăng ký để sử dụng trong các sản phẩm thuốc trừ sâu từ năm 1959. Hiện không có sản phẩm Carbaryl nào được đăng ký để sử dụng trong nhà để diệt các loài côn trùng như muỗi, gián, mối hoặc trên vật nuôi.
* Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiệp định này mở ra cơ hội để tăng cường thương mại giữa EU và Việt Nam. Hiện nay EU đã trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau quả. Tuy vậy, EU lại nằm trong nhóm có tiêu chuẩn quản lý thực phẩm nhập khẩu cao nhất thế giới.