30 năm (1993 – 2023) Hiệp Hội Doanh Nghiệp Dịch Vụ Logistics Việt Nam (VLA) Kỳ 5: Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 13:10, 02/10/2023

Với cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội. Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, block chain, in 3D, big data, blockchain... đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành dịch vụ logistics thế giới. Robot đang được ứng dụng trong các kho hàng hiện đại, drone đang được ứng dụng trong giao hàng chặng cuối và xe không người lái đang trong quá trình thử nghiệm...

Thương mại điện tử (E-Commerce) của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo các hoạt động logistics liên quan. Vấn đề cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng và logistics như chi phí, chất lượng và giao hàng đang được đặt lên hàng đầu.

container-container-ship-import-export-business-logistic-compressed.jpeg

Trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi và để bắt kịp những cải tiến công nghệ mới trong lĩnh vực logistics, Hiệp hội VLA đã đẩy mạnh công tác đào tạo vừa làm vừa học hiệu quả. Chỉ riêng năm 2020, Viện đào tạo của Hiệp hội (VLI) đã tổ chức 03 khóa đào tạo theo Chương trình FIATA với hơn 207 học viên và đang tiếp tục triển khai đào tạo với các Trường đại học. Tổ chức tốt các lớp học theo Chương trình SME của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT): 19 lớp với 553 học viên đến từ các doanh nghiệp logistics. Hiện nay, Hiệp hội đang chú trọng việc hỗ trợ sinh viên hiểu biết về ngành nghề, qua đó tạo hứng khởi cho các sinh viên học tập từ thực tế và có cơ hội cọ xát công việc sau khi ra trường. Hàng năm, ngoài việc bố trí cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, Hiệp hội còn đẩy mạnh việc thực hiện các đề án nghiên cứu logistics. 

Cụ thể: “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng 2030” đã được Chủ tịch ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt; “Đề án VLI_VNIP_Research Proposal For Long An Industrial Zones – 2020”; “Đề án Kế hoạch phát triển công ty TNHH MTV Dịch Vụ Hàng Hải Hậu Giang giai đoạn 5 năm 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; “Dự án Tư vấn hướng dẫn quy trình, đánh giá đối tác thuê ngoài phục vụ hàng dược phẩm”; “Đề án Nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics của Việt Nam” do Bộ GTVT chủ trì; “Đề án Nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm logistics kết nối với mạng lưới vận tải đa phương thức - áp dụng cho vùng Đông Nam Bộ (khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận)” do Bộ GTVT chủ trì. Tham gia biên soạn Logistics Book 2018, 2019, 2020 của Bộ Công thương... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để theo kịp môi trường kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và nắm bắt được các quy trình kinh doanh tiên tiến như e-commerce, e-freight and e-logistics, điều chắc chắn cần thiết là ngành vận tải – logistics phải dựa vào nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp và có kỹ năng. Chính vì vậy, FIATA đã phát triển 2 chương trình FIATA Diploma in Freight Forwarding (FD) và FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management (FHD). Đối với các chương trình này, FIATA cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các thành viên trong Liên đoàn để phát triển các khóa đào tạo của riêng mình. Các Tài liệu đào tạo và giáo trình sẽ được phát triển bởi các thành viên tại khu vực để vừa đáp ứng được yêu cầu chung của thị trường quốc tế, vừa đáp ứng các nhu cầu cụ thể của thị trường trong nước.

Nhiệm kỳ VIII Hiệp hội nhanh chóng hoàn thành việc hợp tác với Hiệp hội số Nông nghiệp (VIDA) nhằm phát triển một platform hợp tác theo liên kết dọc các công ty cung cấp dịch vụ logistics để tạo thành chuỗi dịch vụ “end-end” nhằm phục vụ hiệu quả các hội viên Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA trước tiên. Hiệp hội và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải cùng nhau có kế hoạch và chiến lược chuyển đổi số, đạo tạo nhận thức về chuyển đổi số, biết ứng dụng công nghệ phù hợp cho các hoạt động dịch vụ chính logistics. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển Agro-logistics của nước ta.

Trong công tác khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, hiện có khoảng 40% hội viên đã có những ứng dụng giải pháp công nghệ vào hoạt động. Hiệp hội đang thực hiện dự án Nghiên cứu mô hình ứng dụng và chuyển giao giải pháp eDO (Lệnh giao hàng điện tử) và eBL (Vận đơn điện tử) cho hàng chung chủ (LCL) vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không bằng công nghệ blockchain để kết nối các ứng dụng công nghệ có sẵn vào nhằm phục vụ chung cho cả cộng đồng LSP và cộng đồng chủ hàng (XNK) mà trước mắt là các Hội viên của VIDA.

tauooclgemalink1.jpg

Thời gian qua, Ban Công nghệ của Hiệp hội đã tích cực tham mưu, tư vấn tổ chức nhiều chương trình hội thảo bàn về việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động dịch vụ logistics. Và thực tế cho thấy, công nghệ giúp các hoạt động trở nên thuận tiện, chính xác hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội, trước đại dịch COVID-19 chỉ có trên 30% các ứng dụng công nghệ thông tin đơn lẻ tại các doanh nghiệp logistics, chủ yếu là những ứng dụng cơ bản trong các dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi, khai báo hải quan. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây chuyển đổi số đã có những phát triển nhanh, trước hết là trong các Hội viên như Transimex, GEMADEPT, Tân Cảng Sài Gòn, T&M Freight Forwarding... Việc ứng dụng nền tảng số đã mang lại năng suất lao động tăng lên khoảng 20% - 25%, góp phần vào việc nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, giảm chi phí logistics.

Đặc biệt, một số Hội viên VLA đã thành lập ASEAN CARGO GATE WAY (ACG) là một doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19 với sứ mệnh kết nối hàng hóa Việt Nam với thị trường toàn cầu và tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam, khai thác các chuyến bay charter đi và đến Việt Nam với mức giá cạnh tranh nhất, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, góp phần cắt giảm chi phí Logistics cho hàng hóa nhất là hàng nông sản. Đây là một dấu ấn của VLA trong hoạt động khoa học công nghệ, nghiệp vụ mới, thể hiện sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh dịch vụ logistics của Nhiệm kỳ VII.

Minh Nguyệt