Rủi ro thanh toán đối với hàng xuất khẩu câu chuyện chưa bao giờ cũ
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 04/10/2023
Xu hướng công nghệ hóa trong thời đại 4.0 như hiện nay đã giúp việc thông tin liên lạc vượt qua rào cản của địa lý. Tuy nhiên các giao dịch quốc tế bao gồm việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán vẫn phải chịu sự chi phối của các nguyên tắc quốc tế cũng như sự quản lý của từng quốc gia trong vai trò xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
Trao niềm tin cho ngân hàng hay doanh nghiệp logistics?
Nguyên nhân việc nhà xuất khẩu Việt Nam chưa nhận được thanh toán từ phía người mua ở Dubai (quốc gia nhập khẩu) như chúng ta đã biết là do bộ chứng từ chưa được gửi đến đúng ngân hàng tiếp nhận mà người nhập khẩu lại nhận được bộ chứng từ. Nếu như thông tin nêu trên là đúng thì chắc chắn rằng vai trò và trách nhiệm của đơn vị chuyển phát nhanh quốc tế (vận chuyển bộ chứng từ) là không nhỏ. Tuy nhiên ở góc độ kinh doanh, để kiểm soát rủi ro chúng ta không thể chỉ trông cậy hoàn toàn vào các đơn vị này. Đó là chưa kể quy chế về đền bù chứng từ thất lạc hoặc giao sai đối tượng đã được các đơn vị chuyển phát nhanh giảm thiểu trách nhiệm tối đa, kể cả việc xác định trị giá bồi thường cũng không phụ thuộc vào giá trị của bản thân các loại chứng từ mà họ nhận vận chuyển.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao các doanh nghiệp xuất khẩu trong trường hợp này lại không sử dụng phương thức thanh toán là tín dụng thư chứng từ (Letter of Credit – L/C) hay phương thức phổ biến hơn là chuyển tiền bằng điện (Telegraphic transfer – T/T). Trong trường hợp các doanh nghiệp lần đầu tiên giao dịch với nhau hoặc chưa có được sự tin tưởng nhất định thì phương thức L/C luôn được khuyến khích. Theo các quy định tại Quy tắc và Thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ hiện hành UCP600, cho phép ngân hàng đứng tên với vai trò là người nhận hàng (consignee) thay vì nhà nhập khẩu thực tế. Khác với phương thức D/P chịu sự quy định bởi quy tắc thống nhất về nhờ thu URC522, phương thức tín dụng thư chứng từ đảm bảo được trường hợp bộ chứng từ bị thất lạc hoặc đơn vị vận chuyển giao sai đối tượng thì người nhận được bộ chứng từ cũng không thể hoàn tất thủ tục nhập hàng do chưa hoàn tất thủ tục ký hậu chuyển nhượng tại ngân hàng.
Mặt khác, theo nhận định của tiến sĩ Byron Lee – Chủ tịch hiệp hội Logistics và vận chuyển đường biển tại Hongkong (HKSTLA) cho rằng phương thức thanh toán T/T tưởng chừng chứa đựng nhiều rủi ro nhưng nếu nhà xuất khẩu kết hợp với một đơn vị Logistics uy tín và có hệ thống mạng lưới đại lý quốc tế (Network Agent) tốt thì việc cấp Vận đơn điện giao hàng (Surrendered B/L hay Telex Release) cho đúng đối tượng sau khi nhận được thanh toán theo hợp đồng là điều hoàn toàn có thể kiểm soát được. Như vậy, vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics đặc biệt có liên quan đến vận chuyển quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng ngoài việc đưa hàng hóa đến đúng nơi yêu cầu mà còn góp phần đảm bảo việc giao hàng đúng người và đúng lúc.
Câu chuyện cần sự vào cuộc của cấp quốc gia
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với đơn vị trung
gian tài chính như ngân hàng hay các đơn vị
Logistics thì doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải
chú ý đến các yếu tố bất thường dù là nhỏ nhất
trong bất kỳ hoạt động thương mại quốc tế nào
của mình. Lấy ví dụ như thời gian thành lập của nhà nhập khẩu hay ngân hàng tại quốc gia nhập khẩu
có điểm uy tín nhất định hay không. Tuy nhiên việc xác minh các yếu tố trên chưa bao giờ là dễ dàng đặc biệt là đối với doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Từ những khó khăn trên, thiết nghĩ vai trò của các cơ quan xúc tiến thương mại, tham tán thương mại tại các nước hay cục xuất nhập khẩu nên có những cơ chế và công cụ hỗ trợ, bảo vệ nhà xuất khẩu Việt Nam đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng khó truy xuất nguồn gốc và dễ dàng chia nhỏ, bán lại như nông sản. Cụ thể các hoạt động có thể kể đến như cung cấp danh sách các nhà nhập khẩu thuộc diện cảnh báo hoặc các vùng kinh tế đang phát sinh các tình huống liên quan đến lừa đảo quốc tế.
Ngoài ra việc liên kết thông tin giữa các quốc gia khác nhau nên được thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhằm lành mạnh hóa hoạt động thương mại quốc tế cũng như cập nhập các quy định mới liên quan đến hoạt động tài chính nhằm phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Trong trường hợp của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nêu trên, việc chứng minh bất kỳ nhân viên ngân hàng nào (ngay cả bộ phận bảo vệ) nhận được bộ chứng từ từ đơn vị chuyển phát, đồng thời chính người mua hàng (consignee) đã làm thủ tục nhận lô hàng đúng theo hợp đồng thì việc thanh toán cho nhà xuất khẩu là hoàn toàn có căn cứ. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng trong kinh doanh nói chung và thương mại quốc tế nói riêng, vai trò của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics, các cơ quan nhà nước đại diện ở nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phần nào giúp giải quyết khó khăn và giảm thiểu tổn thất khi sự cố xảy ra.