Tổng vốn đầu tư đăng ký FDI vào tỉnh Bắc Ninh vượt 1,3 tỷ USD

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:23, 14/03/2022

(VLR) Trong 2 tháng đầu năm 2022, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nên dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Ninh tăng mạnh, tiếp tục khẳng định Bắc Ninh là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Bắc Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (ảnh minh họa)

Bắc Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (ảnh minh họa)

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bắc Ninh cấp mới cho 16 dự án; điều chỉnh vốn cho 22 dự án đưa Bắc Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD (chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt là hai dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore)” điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và “Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek)” điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại KCN Quế Võ. Đây là tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế.

Cùng với những giải pháp tích cực từ Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, việc thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan. Hầu hết các dự án thu hút mới và đăng ký tăng vốn đều thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn đầu tư của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tăng cường kết nối bằng hình thức trực tuyến và thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; xác định nhu cầu của đối tác để có phương thức, kênh liên lạc và hình thức tổ chức xúc tiến hiệu quả. Thường xuyên cập nhật các thông tin về định hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, công khai thông tin về khả năng cung ứng lao động, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, năng lượng, điện, cấp nước, xử lý môi trường,...) và các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư; thông tin về ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics và chất lượng nguồn nhân lực... Đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp trên phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư mới. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tạo lập hình ảnh thân thiện, an toàn từ các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Foxconn, Goertek… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa để các dự án triển khai nhanh và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Duy Ngợi