Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:53, 30/03/2022
Quang cảnh hội thảo
Sáng nay (30/3), tại TP. Cần Thơ diễn ra Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ logistics. Hội thảo do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng các cơ quan quản lý liên quan và cộng đồng quản lý doanh nghiệp tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, Khu vực ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL là từ 17 đến 18 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác, tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa. Vậy nên, dù tiềm năng cảng biển và dịch vụ logistics ĐBSCL rất lớn nhưng vẫn chưa được phát triển xứng tầm để đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chủ lực của vùng.
Mới đây, ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050 để đạt được mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Do vậy, ngành logistics được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nhóm ngành được ưu tiên, có vai trò hỗ trợ cho nhóm ngành sản xuất kinh doanh. Vậy cần phải làm gì để phát triển logistics giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp là câu hỏi tồn tại trong suốt nhiều năm qua.
Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó TGĐ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phát biểu khai mạc hội thảo
Với hội thảo này, ban tổ chức mong muốn được lắng nghe những định hướng phát triển từ các cấp lãnh đạo cùng tham mưu, đề xuất của các chuyên gia trong ngành logistics về giải pháp mang tính tiên phong, toàn diện. Với mục tiêu chung là tăng cường tính liên kết, xây dựng kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Tiếp đó, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI TP. Cần Thơ có tham luận về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ĐBSCL dưới góc độ của ngành logistics. Ông Nguyễn Phương Lam khẳng định, vai trò của ngành giao thông vận tải, logistics và vận tải biển là hết sức quan trọng, là bước ngoặt phát triển của vùng ĐBSCL.
Trong tham luận của mình, Giám đốc VCCI TP. Cần Thơ nêu sơ bộ tổng quan về tình hình kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trong khu vực và nhấn mạnh Logistics là đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho ĐBSCL.
Cùng quan điểm trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, hiện nay 85% lượng hàng xuất khẩu của vùng ĐBSCL đều phải qua các cảng ở TP HCM, Vũng Tàu... 15% còn lại đi bằng đường bộ ra các cửa khẩu khu vực miền trung, phía bắc. Chính vì thế, dù tiềm năng cảng biển và dịch vụ logistics ĐBSCL rất lớn nhưng vẫn chưa được phát triển xứng tầm để đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chủ lực của vùng. Do vậy, các doanh nghiệp tha thiết có được một vị trí để bốc dỡ hàng hóa thuận tiện hơn để giảm bớt chi phí, quan trọng hơn là giảm bớt thời gian lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp. Hiện nay có thể nói chi phí là một gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở vùng ĐBSCL. Nhiều năm qua, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ thiết lập một cảng biển đủ tầm cỡ tại Cần Thơ để tiếp nhận hàng hóa cho vùng.
Ngoài ra, để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Các đại biểu nêu nhiều kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cần có các cơ chế chính sách phát triển với tầm nhìn của vùng, tầm nhìn quốc tế (bao phủ khu vực Đông Nam Campuchia), hoặc phân vùng lại khu vực Long An - Tiền Giang - Bến Tre nên gắn với hoạt động logistics vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, về các chính sách vĩ mô, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách đặc thù như quỹ đất, thuế... cho các dự án, nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics.
Thông qua buổi hội thảo, TCT TCSG đã phối hợp cùng với các cơ quan ban ngành, hiệp hội tham gia tọa đàm đưa ra những định hướng phát triển trung tâm Logistics các địa phương, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng, nắm bắt xu hướng phát triển thị trường, phương án tiết kiệm chi phí logistics hiệu quả thông qua các giải pháp kết nối của TCSG trong bối cảnh giá nhiên liệu biến động khôn lường. Sự đồng hành của TCSG cùng các cơ quan nhà nước, chính quyền,các hiệp hội với ĐBSCL có vai trò quan trọng, góp phần tập trung nguồn lực thúc đẩy hệ thống logistics ĐBSCL vươn mình mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng, tăng thu nhập cho người sản xuất và phát triển mạnh kinh tế liên kết khu vực ĐBSCL.