Đà Nẵng: DN công nghiệp hỗ trợ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc thù

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:55, 25/05/2022

(VLR) Chính sách mới của Đà Nẵng có nhiều nội dung hỗ trợ mang tính chất đặc thù của Thành phố, nhiều nội dung hỗ trợ theo quy định của Trung ương nhưng có mức chi hỗ trợ cao hơn, điều kiện thụ hưởng thuận lợi hơn và danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được thụ hưởng chính sách được mở rộng hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay, CNHT là lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về "phát triển CNHT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố, nhất là các dự án thuộc các lĩnh vực khó thu hút đầu tư như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị và các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao khác.

Nhằm khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp/nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp trong nước quan tâm đầu tư phát triển CNHT trên địa bàn thành phố, ngày 17/12/2021, Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND về quy định chính sách phát triển CNHT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thay thế Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 và Nghị quyết số 206/2018/NQ-HĐND ngày 19/12/2018.

Chính sách mới theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND có nhiều nội dung hỗ trợ mang tính chất đặc thù của Đà Nẵng, nhiều nội dung hỗ trợ theo quy định của Trung ương nhưng có mức chi hỗ trợ cao hơn, điều kiện thụ hưởng thuận lợi hơn và danh mục sản phẩm CNHT được thụ hưởng chính sách được mở rộng hơn. Qua đó, Thành phố khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thu hút, phát triển sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp CNHT từng bước hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường khả năng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lắp ráp, nhất là các doanh nghiệp FDI để từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, hoạt động phát triển CNHT bao gồm: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử; xây dựng và quảng bá thương hiệu, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành CNHT; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí sử dụng hạ tầng và bảo vệ môi trường; xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm.

Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND cũng đưa ra những mức chi hỗ trợ cụ thể, như: Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT (mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/doanh nghiệp); hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT (mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp); hỗ trợ 100% chi phí đánh giá và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế gồm: Chi nghiên cứu xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá; chi hội thảo/tọa đàm công bố kết quả đánh giá; chi đánh giá năng lực doanh nghiệp (tối đa không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp đối với trường hợp thuê chuyên gia trong nước; trường hợp thuê chuyên gia nước ngoài thì căn cứ mức kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình, đề án, nhiệm vụ của chương trình để xác định mức hỗ trợ cho một doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% chi phí tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị, chương trình (gọi chung là hội chợ) kết nối CNHT tại Đà Nẵng. Miễn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để quảng bá, tuyên truyền về hội chợ trên băng rôn, phướn treo tại khu vực tổ chức và các tuyến đường trên địa bàn thành phố với số lượng tối đa không quá 150 băng rôn và 500 phướn/1 đợt hội chợ.

Hỗ trợ 100% chi phí tổ chức đoàn tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị, chương trình (gọi chung là hội chợ) kết nối CNHT ở trong nước và tại nước ngoài (với quy mô tối thiểu 3 doanh nghiệp tham gia).

Hỗ trợ 100% chi phí tổ chức đoàn giao dịch, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài (với quy mô tối thiểu 3 doanh nghiệp tham gia).

Mức hỗ trợ tối đa là: 28 triệu đồng/1 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực Châu Á; 42 triệu đồng/1 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực: Châu Âu, Châu Phi, Châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Á; 70 triệu đồng/01 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực Trung Mỹ, Mỹ La Tinh.

Hỗ trợ 100% chi phí tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động CNHT trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác. Mức hỗ trợ tối đa là 70 triệu đồng/1 chuyên đề tuyên truyền.

Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng website thương mại điện tử cho doanh nghiệp CNHT trong nước, bao gồm: Chi phí thiết kế website; chi phí mua và duy trì tên miền (domain) trong 1 năm; chi phí thuê lưu ký (hosting) trong 1 năm. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 2 lần…

Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Thành phố có trên 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; trong đó, có ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố có trên 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ít nhất 15% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trên mỗi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.