Đóng cửa ở Trung Quốc gây nên sự chuyển dịch chuỗi cung ứng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:28, 17/05/2022

(VLR) Chuyên gia đưa ra lời cảnh báo rằng, việc đóng cửa ở Thượng Hải đã chứng minh sự thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc mạnh mẽ hơn nhiều so với xung đột thương mại và sự gián đoạn trong hai năm qua.

TP. Thượng Hải tĩnh lặng vì đóng cửa

TP. Thượng Hải tĩnh lặng vì đóng cửa

Việc tạm ngưng sản xuất tại các nhà máy lớn đã làm suy giảm các luồng vận chuyển hàng hóa quốc tế từ cường quốc Trung Quốc, tạo nên một cái bóng đổ dài xuống chuỗi cung ứng quốc tế.

Các con số do FourKites công bố cho thấy, khối lượng vận chuyển trung bình trong hai tuần từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 20% tính đến ngày 29/4, so với giai đoạn trước đó. Mức trung bình trong hai tuần ở Thượng Hải đã giảm 22%.

Dữ liệu từ mạng thanh toán B2B Tradeshift cho thấy, các đơn đặt hàng toàn cầu đã sụt giảm trong quý đầu tiên, mà theo các nhà phân tích của công ty cho rằng chủ yếu là do cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng đóng cửa ở Trung Quốc.

Theo đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra dấu hiệu khởi động lại sản xuất và vận chuyển ở khu vực Thượng Hải, nhưng cho đến nay dường như vẫn chưa thực hiện được.

Theo Bloomberg, qua cuộc khảo sát của Tin tức chứng khoán Thượng Hải với 667 công ty cho thấy, khoảng một nửa đã hoạt động sản xuất trở lại với sản lượng dưới 30% công suất. Còn cuộc khảo sát do Nhật Bản thực hiện thì nhận thấy gần 2/3 nhà máy vẫn chưa khởi động sản xuất trở lại.

Vào đầu tháng 5, cả Chỉ số Nhà quản lý mua hàng sản xuất Caixin và Chỉ số Nhà quản lý mua hàng sản xuất của Cục Thống kê Quốc gia đều chỉ đạt chỉ số dưới 50 trong hai tháng liên tiếp, điều đó cho thấy lĩnh vực này đang bị thu hẹp. Điều này khiến hy vọng về sự hồi sinh mạnh mẽ của hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc trở nên mong manh.

Phần lớn, các nhà nhập khẩu và công ty hậu cần của Mỹ đã dự đoán sự gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc nhanh chóng lấn át các chuỗi cung ứng, nhưng gần đây việc khởi động lại diễn ra chậm chạp và thận trọng - những đợt vận chuyển nhỏ giọt chứ không phải là đợt thủy triều mạnh mẽ.

Trong blog ngày 10/5 về tác động của chính sách Covid của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng, Resilinc, nhà cung cấp các giải pháp phục hồi chuỗi cung ứng, lưu ý rằng nhiều nhà quản lý chuỗi cung ứng đang cân nhắc các phương án tách khỏi Trung Quốc và thuê lại những công ty ở đây.

Giáo sư Yossi Sheffi, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết, các công ty muốn ở lại Trung Quốc lâu dài, dựa trên triển vọng tăng trưởng ở thị trường khổng lồ này. Tuy nhiên, họ đang mệt mỏi ứng phó chính sách zero-Covid và xử lý những hậu quả của nó. Ông nói: “Việc này sẽ đẩy mọi người ra khỏi Trung Quốc hơn bất cứ lý do gì”.

Các nhà quan sát nhận thấy dấu hiệu của Apple về việc rời khỏi Trung Quốc, vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp chống Covid ở Thượng Hải. Theo Giám đốc tài chính Luca Maestri, việc ngưng sản xuất và thiếu chip sẽ làm giảm tới 8 tỷ USD doanh thu của Apple trong quý này.

Intel đã công bố một sự thay đổi lớn trên toàn cầu vào tháng 3, dự định đầu tư 88 tỷ đô la vào sản xuất chip ở Đức, Ireland, Pháp và Ý, nhằm thiết lập một “chuỗi cung ứng cân bằng và linh hoạt hơn”. Nó có thể giúp các nhà lãnh đạo EU công bố Đạo luật chip trị giá 47 tỷ đô la để kích thích sản xuất chất bán dẫn.

Các nhà phân tích của McKinsey cũng đang có sự chuyển dịch lớn trong lĩnh vực sản xuất trong vòng 5 năm tới và kỳ vọng việc cung cấp dịch vụ reshoring và nearshoring sẽ chiếm tới 26% sản lượng toàn cầu.

Các số liệu về chuyển dịch cho thấy Canada và Mexico đã và đang thu được nhiều lợi ích từ xu hướng này. Trong khi khối lượng giao dịch giảm ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, lưu lượng hóa đơn từ các nhà cung cấp Mexico đã tăng gấp 4,1 lần mức trung bình toàn cầu trong năm qua. Hóa đơn của các nhà cung cấp Canada cao hơn 3,1 lần so với mức trung bình.