Ngành Hải quan và mục tiêu chuyển đổi số thúc đẩy logistics Việt Nam
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:48, 11/10/2023
Hội nghị và triển lãm là sự kiện quốc tế lớn của WCO và là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Hải quan Việt Nam. Hội nghị là diễn đàn giới thiệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại giữa cơ quan hải quan với các đối tác.
Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, sự kiện diễn ra vào dịp rất đặc biệt, là ngày kỷ niệm 69 năm giải phóng Thủ đô và cũng là ngày Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số.
Do đó, với chủ đề là "Đón đầu kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp", hội nghị đã thể hiện sự nắm bắt kịp thời xu thế chung của thế giới, phù hợp với những ưu tiên phát triển của ngành Hải quan Việt Nam.
Trong suốt 70 năm phát triển, Tổ chức Hải quan thế giới WCO đã phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan. Phó Thủ tướng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự hỗ trợ quý báu của WCO và cơ quan hải quan các nước đối với ngành Hải quan Việt Nam, đặc biệt là trong 30 năm Hải quan Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Hải quan thế giới WCO.
Ngành Hải quan Việt Nam đã có vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế phải đối mặt nhiều thách thức, ngành hải quan có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước; đồng thời góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
Phó Thủ tướng cho rằng, với vai trò đó, hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Trong đó, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của quá trình này.
"Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của Tổ chức Hải quan thế giới WCO và cơ quan hải quan của các đối tác, thông qua các hình thức như hỗ trợ kỹ thuật; chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; tối ưu hóa quy trình, thủ tục; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực…
Thông qua hội nghị, mở ra cơ hội cho các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cũng như cách thức giải quyết các thách thức trong quản lý, ứng dụng công nghệ và hoạt động thương mại.
* Quan điểm nhất quán phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 là: “Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan làm nền tảng cho phát triển Hải quan trong thời kỳ mới”...
* Ngày 04/05/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 707/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành Hải quan quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2030, hoàn thành Hải quan thông minh” với 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan.