Kích tín dụng: Ngân hàng tung loạt ưu đãi vay vốn dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 17:59, 13/10/2023

Loạt giải pháp hỗ trợ đang được các ngân hàng tiếp tục triển khai cùng những tín hiệu phục hồi về đơn hàng, hoạt động sản xuất đang tạo kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.
picture1.jpg
Ngân hàng tung loạt ưu đãi vay vốn dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay... đã được triển khai. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất hạn chế.

Nhưng với hàng loạt giải pháp hỗ trợ đang được các ngân hàng tiếp tục triển khai cùng những tín hiệu phục hồi về đơn hàng, hoạt động sản xuất đang tạo kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.

Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 0,3-0,5%, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 0,5-1% trong tháng 8 vừa qua và đang trên đà giảm thêm. Còn tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1-4% tùy kỳ hạn - mức giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm 1 – 3,5% so với đầu năm nay, thậm chí có ngân hàng giảm đến 4%/năm, vì thế tín dụng kỳ vọng cải thiện các tháng cuối năm.

Chẳng hạn, ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh Bình Dương đang triển khai chương trình “Chính sách vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại địa bàn tỉnh Bình Dương.

Hiện Eximbank – Chi nhánh Bình Dương đang triển khai khá nhiều Chương trình ưu đãi dành cho tất cả các phân khúc khách hàng (doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI) để hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn; đặc biệt Eximbank dành riêng gói 100 triệu USD với lãi suất cho vay ưu đãi, giảm 1,5%/năm dành riêng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

picture2.jpg
Ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc Phòng Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của Eximbank cho biết Eximbank Bình Dương đang miễn giảm 20 loại phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Bên cạnh đó, Eximbank - Bình Dương đang miễn giảm 20 loại phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như phí dịch vụ qua kênh Online (chuyển tiền trong nước, thanh toán thuế, chi lương,…), các phí liên quan thư tín dụng (L/C), thanh toán L/C, nhờ thu và phí chuyển tiền quốc tế...

Theo ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc Phòng Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của Eximbank, kinh tế trong nước chưa thể tăng trưởng bứt phá trong những tháng cuối năm nay, nhưng triển vọng Quý 3 và 4/2023 sẽ tốt hơn nhờ tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công. Do đó, ưu đãi của Eximbank giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận trong những tháng cuối năm".

picture3.jpg
Theo ghi nhận, các ngân hàng đang tồn kho tiền, còn doanh nghiệp thì bị tồn kho hàng hóa, không có đầu ra cho sản phẩm

Ngoài ra, ngân hàng cũng dành riêng chương trình đặc biệt đối với nhóm doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, giày da... là các ngành thế mạnh của tỉnh Bình Dương để cùng chia sẻ gánh nặng tài chính, giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm 2023 và các năm tới.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%)".

Ông Tú cho rằng, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay, khi các ngân hàng đang tồn kho tiền, còn doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, không có đầu ra cho sản phẩm.

Dù ngân hàng đã liên tục rà soát, tháo gỡ khó, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, đơn hàng sụt giảm nên các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng khác cũng là rào cản của tín dụng, đó chính là áp lực lãi suất cho vay. Ở giai đoạn cuối năm ngoái không ít ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng lên tới hơn 11%/năm, làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%/năm, trung và dài hạn 17-18%năm.

Trong khi đó, với mức lạm phát của Việt Nam chỉ kiểm soát mức khoảng 3-4% hiện nay, theo các chuyên gia, lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12%/năm là hợp lý.

Dự báo xu hướng lãi suất, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất cho vay có thể sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1% từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, ngoài vốn tín dụng, cần xem xét đến các giải pháp kích cầu trong nước…

Đình Thuần