Đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:53, 16/10/2023

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 767/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
na-kinhtebien2.jpg
Tàu lớn cập Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để 'ăn' hàng

Theo Kế hoạch này, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên được nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường…

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học được bảo tồn, môi trường biển và hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng; tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như tiềm năng, lợi thế của vùng biển Nghệ An để tạo đột phá phát triển bền vững.

Phân vùng sử dụng không gian biển; ưu tiên bố trí không gian biển. Phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nền tảng. Phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển; phát triển các cảng biển tổng hợp, hạ tầng biển và các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic đa dạng, hiện đại. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển để tạo bước đột phá gắn với xây dựng và nâng cấp hệ thống công viên ven biển...

Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ không qua áp dụng các công cụ quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, thực thi có hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định...

Thực hiện bảo vệ môi trường biển, đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lực biển, đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo...

Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kiện toàn theo Quyết định số 4388/QĐ-UBND ngày 30/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh là cơ quan điều phối liên ngành và liên địa phương cho việc thực hiện Chiến lược.

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị ven biển thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.

Các Sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại vụ, Nội vụ, NN&PTNT, KH&CN, Công thương, Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành, thị ven biển căn cứ phân công nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình tại Kế hoạch số 608/KH-UBND ngày 18/8/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU và chức năng nhiệm vụ được giao để tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến ngành, đơn vị theo Kế hoạch này hiệu quả, đúng quy định.

Duy Ngợi