Thế Hùng, "diên mạo văn hóa" của một lãng tử Tràng An
Văn hóa - Ngày đăng : 05:08, 18/10/2023
Thế Hùng là nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ, nhà giáo. Nhưng trước hết, Thế Hùng “chính danh” là nhà thơ. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành thơ. Ông còn là họa sỹ. "Điểm đến” của tranh Thế Hùng là các Gallery cá nhân của những người mê hội họa và có “điều kiện”.
Giữa tháng 7 vừa qua, từ Hà Nội, Thế Hùng bắt đầu “xuyên Việt” cùng hai nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ. Một mình ông cầm lái. Sau 20 ngày với lộ trình Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ; ngược lại TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu (Bà Rịa Vũng Tàu), TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)...Và đúng 15g30 ngày 3/8/2023, Thế Hùng đã có mặt tại Hà Nội. Ông vượt qua chặng đường 4.700 km Bắc – Nam đầy cảm xúc. Nói như thế để thấy, không chỉ cách cảm, cách chơi của Thế Hùng khác biệt. Ông là một “lãng tử” thứ thiệt.
Cho đến nay, Thế Hùng đã in 6 tập thơ. Thơ ông giàu nhạc tính. Vì thế, nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ tên tuổi như Phan Huỳnh Điểu, Văn Ký, Thuận Yến, Huy Du, Chu Minh, Huy Thục, Văn Dung... phổ thành ca khúc. Họ đều là các nhạc sỹ có "thứ hạng" trong "ngôi đền âm nhạc" - tất cả đều đã được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Thơ được các nhạc sĩ "cây đa, cây đề" phổ nhạc, hẳn thơ không phải "dạng vừa".
hế Hùng còn là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, "chủ nhân" của 150 ca khúc. Ông từng tổ chức 4 đêm nhạc ở Hà Nội và quê hương Ninh Bình. Nhiều ca khúc của ông như "Lời ru của biển", "Quan họ mùa xuân", "Tình khúc mùa hè", "Bản Tango mùa thu"... được các ca sĩ tên tuổi biểu diễn.
Thế Hùng còn là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, "chủ nhân" của hàng trăm bức tranh trên các chất liệu lụa, sơn dầu, Acrylic, sơn mài... Thế Hùng được người trong nghề gọi là họa sĩ của "Giai điệu màu". Dường như, giai điệu và tiết tấu của âm nhạc thấm vào ông, hiện ra, ập vào hội họa; lúc mạnh mẽ cuồn cuộn như thác, lúc hiền hòa như dòng sông… Tác phẩm của ông, có biên độ, trường cảm, tạo nên dư ba, đánh thức những suy tư trăn trở của người xem tranh. Tranh Thế Hùng vừa bay bướm, ma mị, vừa giàu triết lý, suy tưởng.
Năm 1992, sau triển lãm cá nhân gây tiếng vang đầu tiên, Thế Hùng bỗng nhiên "ly thân" với hội hoạ. Gần đây ông mới trở lại với “đời cọ” Từ khi quay lại, chuyên tâm với hội họa, Thế Hùng đóng cửa vẽ, ít giao du và không tiếp bất cứ ai. Ông bộc bạch: "Một ngày của tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng, sau vệ sinh cá nhân, tôi ngồi cầm cọ đến 11 giờ trưa. Sau giờ đó là đọc sách, đánh đàn, nghe nhạc, làm phác thảo. Đúng 4h chiều là bóng bàn".
Thế Hùng vẽ như trời phú, nhập đồng, vượt ra khỏi mọi ràng buộc, khuôn phép... tự do giải phóng cảm xúc. Thế Hùng ở khu đô thị Time City. Ông có hai căn hộ cùng một tòa nhà, căn tầng dưới để ở, căn tầng trên dùng làm Art Gallery, có tên là "Salon D'Arts Thế Hùng". Gọi Thế Hùng nhiều nhà theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đều đúng...
"Salon D'Arts Thế Hùng" chật tranh, với đủ kích cỡ, treo từ chân tường đến chạm nóc. Đó là không gian của hàng trăm bức tranh đã xong và đang vẽ dở. Số tranh đang phác thảo và chỉnh sửa nhiều vô kể. Ông chia sẻ: "Căn dưới để sáng tác và dạy vẽ. Căn này trưng bày, trước là cho mình, gia đình, sau là bạn bè và những nhà sưu tập, những người yêu tranh Thế Hùng". Chả là ông có 2 căn hộ cùng tòa T7, Khu đô thị Times City.
Thế Hùng là người làm về văn hóa đúng nghĩa. Ông sống sang và kỹ, bạn ông bảo “vừa khó tính, vừa kỹ tính”. Ngay cả việc chọn khung tranh ông cũng vô cùng kỹ lưỡng. Trong nhà Thế Hùng toàn khung đục chạm bằng gỗ sồi nhập từ Nga, theo mẫu khung tranh cổ điển của các bảo tàng châu Âu…
Thế Hùng cũng có giai đoạn nhọc nhằn tìm lối đi riêng của mình. Dần dần ông nhập vào dòng chảy của trường phái Ấn tượng (Impressionnistes), và ngộ ra mình. Tranh ông bung phá, bay lượn, thoải mái, vẽ như chơi, như dạo nhẹ một bản đàn. Trong tranh có chất thơ, giai điệu và ngược lại. Những nhát bút nguyên màu cạnh nhau như những câu thơ ngắt bậc thang bảng lảng xuống dòng, tựa khúc thức trong cách tiến hành và phát triển giai điệu. Mở đầu các ca khúc thường là gam thứ, giữa chừng ly điệu sang gam trưởng sáng lên, đảo phách liên tục và về kết (coda) gam thứ chủ âm.
Người sành điệu dễ nhận ra nhát bút vừa hoang hải, vừa tung tẩy trong các bức: "Biển chiều", "Hoàng hôn", "Mùa xuân", "Bến quê", "Hà Nội ngàn xưa", "Trăng chiều", "Đốm lửa chiều", "Cầu Long Biên"… Hoặc lúc li ti, mảnh mai như hàng ngàn lá tre đến những nhát bút khỏe khoắn, vạm vỡ trong các bức "Hoàng hôn", "Biển chiều"....Tất cả nhất quán một bút pháp, do một họa sỹ tài hoa thể hiện.
Tranh Thế Hùng nhiều đề tài, nhưng mùa thu, lá vàng, gió vàng, nắng vàng... gây cảm giác xao xuyến, bâng khuâng. Ngắm "Bến quê", "Trung du", "Thảo nguyên", "Hoàng hôn".... và nhiều tác phẩm khác, không thể không nhớ mấy câu thơ "Đường về em đã thu" của ông. "Đường em về đã thu/ xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng/ Những chiếc lá vàng/ Bay bay trong gió/ Thông điệp của trời gửi cho đất/ Nụ hôn thiên thần trao gửi cho nhau".
Thế Hùng tốt nghiệp ba trường đại học danh giá: Mỹ thuật công nghiệp, Học viện Báo chí, Khoa học xã hội và Nhân văn; từng 10 năm làm phóng viên của Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Vì thế, gọi ông là cựu nhà báo, không sai.
Là tiến sĩ chuyên ngành Mỹ học, Thế Hùng còn là người thầy, giảng viên bậc 9/9 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã từng giảng dạy tại 10 trường đại học khác, thuyết trình 12 chuyên đề với hơn 1.560 buổi đào tạo nhân lực mỹ học khắp cả nước. Về mỹ học, ông đã xuất bản 12 đầu sách, 8 đĩa DVD.
Cuốn "Văn hoá kỹ năng sống" đã in 25.000 cuốn (2,5 vạn cuốn). Đó là con số không tưởng, giá sách 130.000 đ/c nhưng số lượng quá lớn nên ông thu tiền tỷ. Bán sách mình viết ra mà mua được xe ô tô, có lẽ không nhiều người làm được. Ông vẫn đi giảng dạy về mỹ học và bán sách, theo cách riêng của mình.
“Ở Thế Hùng luôn hội tụ lòng đam mê và tâm huyết với bất cứ công việc gì mà mình yêu thích", nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét./.