Phát triển kỹ năng nhân lực logistics trong kỷ nguyên số
Đào tạo - Ngày đăng : 11:47, 25/10/2023
Theo báo Tuổi trẻ, trình bày tham luận tại diễn đàn, ông Đào Trọng Độ - vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - cho biết việc mất cân đối trong tuyển sinh và đào tạo đang gây mất cân đối trong việc cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.
Theo đó, mặc dù Việt Nam đang được xác định trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động đông đảo, nhưng so về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực còn đang rất thấp, đặc biệt nhân lực trình độ cao.
"Tại các nước phát triển, cơ cấu nhân lực chuẩn sẽ theo hình chóp, cứ 1 người học đại học sẽ có 2-3 người học cao đẳng, 3-5 người học trung cấp.
Ở Việt Nam, nhóm nhân lực đang ngược lại so với mô hình phát triển chung của các nước trên thế giới. Hiện nay, lực lượng lao động của Việt Nam tập trung chủ yếu ở trình độ đại học trở lên, khoảng 10,9%, cao đẳng khoảng 3,7%, trung cấp 4,3%, sơ cấp 4,7%.
Điều này dẫn đến thực trạng một số lĩnh vực, một số ngành bị thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao, đặc biệt những ngành cần nhân lực tham gia sản xuất trực tiếp lại đang bị thiếu trầm trọng", ông Độ nói.
Theo ông Độ, hiện tại chỉ có một số trường đại học đang đào tạo nhân lực ngành logistics, nhưng với số lượng ít hoặc ngành gần. Tại Việt Nam, Luật Thương mại mới chỉ công nhận logistics là hành vi, chưa thực sự coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn.
"Logistics mặc dù mới phát triển tại Việt Nam nhưng lại có sự cạnh tranh rất lớn. Xuất khẩu của Việt Nam đối với lĩnh vực logistics chủ yếu theo dạng FOB và CIF, quyền vận chuyển do quốc gia nhập khẩu chỉ định.
Do vậy lĩnh vực logistics trong nước với khoảng 1.000 doanh nghiệp, đó là thời cơ để các doanh nghiệp về logistics được phát triển, cạnh tranh", ông Độ thông tin.
Theo Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam, từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Ninh, Thành viên Hội đồng quản trị, Tập đoàn Gemadept, đồng thời kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) nói, Logistics là một ngành công nghiệp toàn cầu với những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu đối với đội ngũ lao động.
Là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Logistics và cảng biển, doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò của đội ngũ nhân lực có chất lượng. Theo ông Ninh, hiện tại Gemadept có khoảng 1.500 lao động làm việc trong ngành cảng biển và Logistics, trong đó có đến 2/3 là lao động làm trực tiếp tại cảng và kho, chỉ 1/3 nhân lực tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, hiện đang làm tại các phòng ban như makerting, kế toán…Chính vì cơ cấu lao động ngành nghề như vậy nên doanh nghiệp xác định đây là lực lượng quyết định để đơn vị có giá thành thấp.
Theo ông Lưu Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Hàng hải I, Nhà trường đã tham gia vào mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) thuộc khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Úc và Việt Nam từ năm 2020.
Theo đó nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong việc đào tạo giảng viên và hỗ trợ thí điểm hai mô đun giảng dạy mới. Hầu hết các sinh viên tham gia khóa đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp.
"Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp tăng số lượng sinh viên đăng ký học một cách rất ấn tượng. 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao", ông Hùng chia sẻ.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16% và quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm, logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực, trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.