Xuất khẩu vào châu Âu và yêu cầu "xanh hóa"

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 15:47, 01/11/2023

Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, yếu tố phát triển bền vững cũng sẽ giúp cho chúng ta nâng tầm giá trị và cũng giúp định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Từ mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Thụy Sỹ

9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đạt 1,852 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt 1,428 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Sỹ đạt 423,1 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các mặt hàng có thủy sản.

thuysan20231101114739.jpg
Thuỵ Sỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thuỵ Sỹ là một nước không có biển, Thụy Sỹ phải nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng thủy sản hàng năm. Mỗi năm thị trường Thụy Sỹ tiêu thụ khoảng 75.000-80.000 tấn thủy sản các loại, kể cả tươi sống, đông lạnh và chế biến. Bình quân tiêu thụ thủy sản khoảng 8,5-9,0 kg/người/năm.

Trong số 75.000-80.000 tấn thủy sản các loại được tiêu thụ mỗi năm, thì trong nước chỉ nuôi trồng và chế biến khoảng trên 3.000 tấn thủy sản các loại. Số lượng còn lại Thụy Sỹ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. 

Hiện, nhập khẩu thủy sản của Thụy Sỹ tập trung vào nhóm sản phẩm chính là: Thuỷ sản, cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sỹ đạt 77,3 nghìn tấn, kim ngạch đạt 932,2 triệu USD, tăng 2,4% so với năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sỹ đạt 54,0 nghìn tấn, kim ngạch đạt 700,5 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Thụy Sỹ. Đối với nhóm hàng thủy sản (mã HS03), Việt Nam nằm trong top 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, sau Na Uy, Pháp và Hà Lan.

Đối với nhóm hàng cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá (mã HS 1604), Việt Nam cũng thường nằm trong top 10. Còn đối với nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, hiện cơ chế quản lý nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng thủy sản nhập khẩu của Thụy Sỹ rất tương đồng với những quy định của EU. Nhập khẩu các mặt hàng thủy sản không bị áp dụng hạn ngạch. Khác với thịt và các sản phẩm thịt, thuế nhập khẩu phần lớn các loại thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sỹ là 0%.

Cũng như EU, Thụy Sỹ cho rằng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề toàn cầu đe dọa hệ sinh thái biển và hoạt động đánh bắt bền vững. Việc đánh bắt cá IUU gây nguy hiểm cho an ninh lương thực, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, gây bất lợi và thiệt hại cho những người đánh bắt cá hợp pháp.

Đáng lưu ý thêm, tại Thụy Sỹ, Pháp lệnh kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm thủy sản biển nhập khẩu (Pháp lệnh IUU) có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 1/3/2017. Pháp lệnh quy định rằng các sản phẩm thủy sản chỉ có thể được nhập khẩu nếu có giấy chứng nhận khai thác hợp lệ, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm (trừ 35 nước trong Phụ lục 2, bao gồm 27 nước EU, Na Uy, Iceland, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Các lô hàng thủy sản được đánh bắt có trong Phụ lục 1 của Pháp lệnh IUU phải được đăng ký với Cục An toàn thực phẩm và Vệ sinh dịch tễ liên bang (FSVO) để kiểm tra. Tuy nhiên nếu những lô hàng này đã được thông quan và kiểm tra IUU trước đó tại một nước EU thì không cần kiểm tra nữa.

Kể từ ngày 1/3/2022, các lô hàng thủy sản cần khai báo phải được đăng ký thông qua ứng dụng INPEC trên Cổng thông tin IUU. Cổng thông tin IUU của ứng dụng INPEC cho phép đăng ký số hóa và xử lý các biện pháp kiểm soát IUU trên các lô hàng thủy sản.

Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 200 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thủy sản trên thị trường Thụy Sỹ. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh thủy sản cùng với các sản phẩm khác. Hệ thống bán lẻ chiếm khoảng 40% khối lượng thủy sản tiêu thụ trên thị trường Thụy Sỹ (khoảng 30.000-31.000 tấn/năm). Hệ thống khách sạn, nhà hàng… chiếm khoảng 55% lượng tiêu thụ (khoảng 42.000 tấn/năm).

Các hình thức phân phối còn lại như bán hàng trực tiếp chiếm khoảng 5% (khoảng 3.800-4.000 tấn/năm). Trong hệ thống bán lẻ thì riêng 2 chuỗi siêu thị lớn nhất Thụy Sỹ là Migros và Coop đã chiếm đến 80% tổng lượng tiêu thụ, tương đương khoảng 24.500-25.000 tấn/năm. Các nhà bán lẻ còn lại tiêu thụ khoảng 6.000 tấn/năm.

Năm 2024. dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thuỵ Sỹ sẽ tăng 4,6%, trong đó xu hướng tiêu thụ tăng dần với sản phẩm hữu cơ. 

Thách thức quy định xanh và bền vững

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngay khi được ký kết đã được hai bên đặt kỳ vọng lớn, trong đó sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

24.10.tdxanh.jpg
Xu hướng tiêu dùng xanh dần trở nên phổ biến

Đến nay, sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (tháng 8/2020 - 8/2023), FTA này đã góp phần đáng kể vào cải thiện tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với EU. Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU đạt 48,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 36,2 tỷ USD, giảm 8,9%, nhập khẩu từ EU 12,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ, xuất siêu sang thị trường này đạt 23,7 tỷ USD, giảm 12,4%.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU thời gian tới sẽ gặp thách thức lớn hơn do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lạm phát, đà tăng trưởng chậm của kinh tế châu lục này, cũng như xu hướng cắt giảm tiêu dùng đang gia tăng… Đặc biệt, thách thức lớn hơn khi thị trường này đưa ra nhiều quy định khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững.

Quý III/ 2023, EU đã ban hành và thông qua một loạt quy định liên quan đến phát triển xanh, bền vững, như: Quy định thực thi (EU) 2023/1773, ngày 17/8/2023, đặt ra các quy tắc áp dụng Quy định (EU) 2023/956 của EU liên quan đến nghĩa vụ báo cáo mục đích của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon trong giai đoạn chuyển tiếp.

Cùng với đó là quy định (EU) 2023/1719 ngày 8/9/2023, sửa đổi phụ lục II và IV của Quy định (EC) No 396/2005 về dư lượng tối đa thuốc trừ sâu ( MRLs), các chất isoxaben, metaldehyde, Metarhizium brunneum strain Ma 43, paclobutrazol and Straight Chain Lepidopteran Pheromones (SCLP) trong hoặc trên một số sản phẩm thực vật, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đã công bố Quy định được ủy quyền công bố số 2023/1674 ngày 19/6/2023, sửa đổi Quy định được ủy quyền (EU) 2021/630 liên quan đến một số chênh lệch và chế phẩm làm đồ uống có chứa ca cao, một số thực phẩm chế biến từ ngũ cốc hoặc các sản phẩm ngũ cốc, thực phẩm chế biến sẵn làm từ gạo và các loại ngũ cốc khác, một số loại khoai tây chiên và khoai tây chiên giòn và một số loại nước sốt, gia vị thuộc danh mục sản phẩm tổng hợp được miễn kiểm soát chính thức tại các trạm kiểm soát biên giới; và sửa đổi Phụ lục I và III của Quy định được ủy quyền (EU) 2019/2122.

Mới đây, EU còn ra Công báo thông báo bắt đầu thủ tục chống trợ cấp liên quan đến việc nhập khẩu xe điện chạy pin mới được thiết kế để vận chuyển người có nguồn gốc từ Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau những yêu cầu chính trị cấp bách từ Paris (Pháp), vốn tập trung vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện non trẻ trong nước.

Có thể thấy, những thay đổi và các quy định mới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động kinh tế của EU suy giảm trong nửa đầu năm 2023 do những cú sốc mạnh EU phải hứng chịu. Ngoài ra, sự suy yếu của nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, cho thấy giá tiêu dùng cao và vẫn đang tăng đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại nặng nề hơn dự báo trước, bất chấp giá năng lượng giảm và nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, việc làm tiếp tục mở rộng và tiền lương tăng.

Hiện EU đã áp dụng ngày càng chặt chẽ hơn các quy định về xanh và bền vững, vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần tìm hiểu kỹ thông tin và có kế hoạch phát triển thị trường một cách bài bản. Ngoài ra, tăng cường quản lý chất lượng, tiếp tục theo dõi và thông báo rộng rãi cho hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, xuất khẩu nhóm thủy sản, xuất khẩu sang EU cần thực hiện nghiêm quy định của EU để giảm tần suất cảnh báo.

Đặc biệt, theo ông Trần Ngọc Quân, hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ tác động trực tiếp lên 4 nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam là sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón. Bộ Công Thương cũng cho biết, phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc. Chúng ta muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị lên thì chúng ta phải phát triển bền vững.

Bảo Hân (tổng hợp)