CEO Tinh Hoa Quản Trị: Kinh tế chia sẻ được vận dụng rộng rãi
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 08:26, 22/11/2023
Tại sự kiện, ông Đỗ Hòa – Nhà sáng lập Group Quản Lý Doanh Nghiệp, CEO Tinh Hoa Quản Trị cho biết, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều quốc gia siết chặt hàng rào nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được, hoặc có thể thay thế; kiểm soát việc chuyển tiền ra khỏi quốc gia; áp dụng các biện pháp chống lạm phát.
Theo ông Hòa, thế giới bị phân cực, các quốc gia liên kết thành từng khối để bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng; cuộc chạy đua phát triển công nghiệp an ninh quốc phòng đã được kích hoạt trở lại.
Với nhiều biện pháp và chương trình hành động bảo vệ môi trường đã được đặt ra tiếp theo sau cam kết Net Zero 2050. Tất cả những biện pháp trên đã khiến cho thương mại thế giới trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn.
Còn với bức tranh kinh tế Việt Nam, ông Hòa chia sẻ, trong tháng 10 năm 2023 Việt Nam xuất khẩu đạt 32,3 tỷ USD (tăng 5,3% so với tháng trước) và nhập khẩu đạt 29,3 tỷ USD (tăng 2,9% so với tháng trước), xuất siêu đạt 3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP được cải thiện khi quý 1/2023 đạt 3,32%, quý 2/2023 đạt 4,05%, quý 3/2023 đạt 5,33%, nhưng vẫn thấp so với dự báo 6,5%/năm.
Ba nhóm hàng chủ lực của Việt Nam gồm dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đi Mỹ bị giảm sút sản lượng.
Hàng nông sản xuất đi Trung Quốc áp dụng một số yêu cầu mới về kiểm dịch, vùng trồng gây khó khăn cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc gia tăng diện tích trồng các loại nông sản giống như của Việt Nam đang xuất, dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ bị sụt giảm trong vài năm tới.
Nhiều doanh nghiệp gia công xuất khẩu thời trang, giày da, đồ gỗ… gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, phải liên tục cắt giảm lao động.
Nhiều tập đoàn đa ngành, bất động sản, bán lẻ… buộc phải tái cấu trúc, cắt giảm nhân lực, thoái vốn các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả để tồn tại.
Khi nói về xu hướng và định hình thị trường năm 2024, ông Hòa nhận định, thế giới không còn phẳng vì nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng các rào cản thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, tăng hàng rào kỹ thuật hạn chế hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Hiệp định thương mại đa phương sẽ được thay thế bằng hiệp định song phương, các quy định về việc giảm thải carbon dẫn đến sự đổi mới về công nghệ tăng lên.
Còn xu hướng tiêu dùng, ông cho rằng, những sản phẩm nhựa sẽ không được khuyến khích, hướng đến ưu tiên vật liệu hòa tan nhanh, sản phẩm hữu cơ được chú ý nhiều hơn, cách điều trị tự nhiên ngày càng phổ biến, kinh tế chia sẻ được vận dụng rộng rãi.