Cần nghiêm túc trong quy hoạch cảng biển!

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Với tình hình thực tế thua lỗ của cảng biển trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia cảng biển đã dự đoán rằng ít nhất trên 10 năm nữa cảng biển vẫn tiếp tục thua lỗ. Vấn đề đang được các ban ngành liên quan đặc biệt quan tâm.

VÕ DUY

BỨC TRANH MẤT CÂN ĐỐI…

Nhìn tổng quan thì cảng biển VN không hề thiếu công suất, nhưng vấn đề hiện nay của ngành cảng biển là thị trường rất phân tán.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay có 266 cảng biển lớn nhỏ, nhưng bức tranh cảng biển đang mất cân đối. Các dự án quy hoạch đầu tư cảng biển ở VN nhiều đến chóng mặt nhưng chưa có cảng nước sâu nào xứng với tiềm năng của ngành vận tải biển. Trong khi khi xu hướng phát triển kinh tế quốc gia đang được định hướng sang phát triển kinh tế biển thì bài toán quy hoạch lại trở thành nóng bỏng.

Và điển hình nhất là khâu quy hoạch các dự án cảng biển tại miền Trung. Miền Trung hiện nay có khoảng 1200km đường biển trong đó có 600km với mật độ cảng biển dày đặc, cứ khoảng từ 30-40km lại có một cảng. Cảng nào cũng xác định là cảng nước sâu, nhưng thực tế lại chỉ đón được tàu 30.000 tấn.

Một thực tế khác của cảng miền Trung là lượng hàng thông qua cảng rất hạn chế, chỉ hoạt động mang tính chất gom hàng rồi đem đến các cảng ở Hải Phòng hoặc TP.HCM để xuất hàng. Thống kê hai quý đầu năm 2011 thì lượng hàng hóa của các cảng Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Cửa Việt (Quảng Trị), Chân Mây (Thừa Thiên Huế) cộng lại chỉ xấp xỉ 1/3 cảng Hải Phòng.

Trong khi đó theo thống kê lượng hàng hóa thông qua cảng biển của VN trong vòng 10 năm qua tăng từ 10-12%, tuy nhiên thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng quá chênh lệch, khu vực phía Bắc chiếm 25-30% khối lượng, cảng phía Nam chiếm 57% (riêng container đến 90%), còn cảng ở miền Trung chỉ chiếm 13%.

CÂU CHUYỆN QUY HOẠCH

Phải nói rằng, quy hoạch là 1 định hướng chiến lược, là cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hình thành hệ thống cảng biển liên hoàn với các hệ thống giao thông khác như đường sắt, đường bộ, đường sông, và các trung tâm kinh tế, nguồn nguyên liệu… tạo thành một hệ thống logistics hoàn chỉnh. Đáng buồn là theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, sau một thời gian quy hoạch cảng biển, đã bắt đầu hé lộ những bất cập, trong đó vấn đề quy mô cảng đang được mang ra thảo luận.

Sự phát triển manh mún các cảng trên khu vực Hải Phòng, TP.HCM, và nhất là miền Trung đang đối mặt với thực trạng thừa vẫn cứ thừa, mà thiếu vẫn cứ thiếu. Phát biểu của ông Doãn Mạnh Dũng - nguyên Trưởng ban Cơ sở hạ tầng cảng biển - Cục Hàng hải: “Phát triển cảng biển tại miền Trung còn nhiều bất hợp lý, ngay cả trong tư duy của người thực hiện quy hoạch vẫn còn nặng tính bao cấp, nên địa phương nào cũng cho xây dựng cảng nước sâu, mạnh ai nấy làm, thậm chí còn xây cảng ở những nơi mà luồng lạch ra vào không thích hợp, để rồi phải bỏ ra hàng tỷ đồng nạo vét, hoặc làm luồng lạch mới, gây lãng phí lớn...”.

Câu chuyện vẫn còn dài hơi khi các tỉnh vẫn còn tham vọng tăng trưởng nhưng không dựa trên thực lực của mình, xây dựng kế hoạch đầu tư theo kiểu “dòm ngó”, người ta có gì mình “phải” có cái đó. Và hậu quả là sự lãng phí ngày một nghiêm trọng, khi Trung ương hụt hơi trong việc tiếp sức, còn cảng biển thì đã quy hoạch sai nay còn mặc nhiên thay đổi, nâng cấp, và… xin thêm quy hoạch.

Theo nhận định của các chuyên gia thì vấn đề cảng biển VN sẽ trở thành nghiêm trọng nếu tiếp tục để “thiếu vắng một cơ quan Trung ương” nắm vai trò điều tiết về mật độ, quy hoạch, chất lượng các cảng biển trên phạm vi toàn quốc.

THÁO GỠ?

Sự “vung tay quá trán” của các tỉnh đã đẩy cảng biển đến “bến” thua lỗ, vẫn là những nguyên nhân thường trực như: dễ dãi trong đầu tư, bất cập trong quy hoạch, hệ thống giao thông không đồng bộ... Câu chuyện của cảng càng trở nên nặng nề khi bàn luận đến việc tháo gỡ, thua lỗ đã lên hàng ngàn tỷ đồng, định hướng đưa VN trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển theo nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 “Về chiến lược biển VN đến năm 2020” đang gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ đã vào cuộc bằng những hành động cụ thể qua những buổi hội thảo, hội nghị. Ngoài vấn đề xây dựng chính quyền cảng thí điểm ở bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 7.11.2011 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo về thực trạng, những tồn tại, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp giải quyết đối với các hoạt động khai thác, sử dụng cảng biển và các dịch vụ logistics, cụ thể là làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về cảng biển, tổng thể và chi tiết công tác quy hoạch hệ thống cảng biển, phát triển dịch vụ cảng biển, hệ thống giao thông kết nối với cảng.

Như vậy, có thể thấy kinh tế biển nói chung và cảng biển nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực được Nhà nước quan tâm, ưu tiên phát triển để thúc đẩy sự phát tiển chung của đất nước. Vai trò và tầm nhìn trong quy hoạch cũng cần được củng cố trong bối cảnh VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới và khu vực.