Chia sẻ - Liên kết - Hợp tác cùng phát triển giữa 3 tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:20, 11/12/2023
Cụ thể, các tỉnh thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài; giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý dự án đầu tư sau cấp phép; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút, quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)...
Ngành công thương 3 tỉnh đã từng bước đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp mà mỗi tỉnh có lợi thế; trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, định hướng phát triển xuất nhập khẩu; phối hợp kết nối, kêu gọi doanh nghiệp của 3 tỉnh tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử 3 tỉnh.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu
Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với khu vực và cả nước, ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh thực hiện một số nội dung liên kết, hợp tác trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đối với từng địa phương và Bản ghi nhớ hợp tác giữa 3 tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc “Chia sẻ - Liên kết - Hợp tác cùng phát triển”. Qua đó nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, phát huy vai trò của 3 địa phương trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ để đóng góp tích cực, nhanh, mạnh hơn nữa vào sự phát triển chung của cả vùng và cả nước.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác lập và triển khai thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của mỗi địa phương; nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh. Tiếp tục phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển... nhằm tăng cường kết nối, cải thiện hệ thống giao thông giữa các tỉnh, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng khu vực. Tăng cường liên kết, hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng, để đẩy mạnh thu hút FDI dưới góc độ liên kết 3 tỉnh, liên kết vùng, cần liên kết phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển Kinh tế-Xã hội. Nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không, hệ thống logistics đáp ứng nhu cầu vận chuyển quốc tế để tối ưu hóa vận tải, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư FDI. Liên kết trong đào tạo nhân lực phục vụ thu hút FDI.
Thời gian tới, cần phải thực hiện liên kết để hoàn thiện môi trường, chính sách thu hút đầu tư, như: Hoàn thiện công tác quy hoạch để khai thác những tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư; hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư trên cơ sở xem xét tính chất, quy mô và hiệu quả đầu tư; tiếp tục rà soát, bổ sung các ngành, lĩnh vực và danh mục dự án đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng của các tỉnh, các địa phương; nhất là cần nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử liên kết của 3 địa phương để quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn - đề xuất, các giải pháp phát triển liên kết vùng cần phải khơi dậy và phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh nói riêng và thế mạnh của khu vực nói chung. Thời gian tới, cần tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghiệp lớn, có công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất, các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Châu Âu... Tăng cường phối hợp thu hút đầu tư, từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu; cụm liên kết ngành kinh tế biển với hai đầu cầu là Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng gắn với cảng nước sâu của Thanh Hóa và Hà Tĩnh; phát triển năng lượng tái tạo nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ;...
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai dự án điện khí; khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút đầu tư các dự án điện gió (trên đất liền và gần bờ) và triển khai các dự án xây mới lưới truyền tải điện 500 kV qua địa bàn ba tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định, cùng với lợi thế tự nhiên, 3 tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để các địa phương phát huy, liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương; bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các tỉnh cần đề xuất Trung ương ban hành các chính sách đủ mạnh để phát triển du lịch, văn hóa vùng. Tiếp tục phát huy các giá trị di sản, các danh nhân văn hóa, truyền thống lịch sử, nhất là các danh hiệu đã được UNESCO vinh danh. Cùng nhau thúc đẩy hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào, Đông bắc Thái Lan. Tăng cường phối hợp huy động nguồn lực khu vực tư nhân cho phát triển văn hóa, du lịch... Mở rộng việc hợp tác trong phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch liên tỉnh, liên vùng, trên cơ sở dữ liệu nền tảng số, với phương châm 3 địa phương - 1 điểm đến - nhiều trải nghiệm.