Điểm son cho ngành Hàng hải Việt Nam

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) Đúng 6 giờ 30 phút ngày 19.12.2011, "siêu tàu" container mang tên CMA-CGMLaperouse có trọng tải gần 160.000 tấn nhẹ nhàng cập bến cảng Quốc tế Cái Mép(CMIT) của Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép, cũng là lúc lịch sử ngành hànghải và khai thác cảng biển Việt Nam ghi một mốc son mới trong chặng đường phấnđấu trở thành điểm trung chuyển quốc tế trong hải trình của tuyến vận tải viễndương.

Cảng Quốc tế Cái Mép

Mặc dù là quốc gia có bờ biển dài trên 3.200km, tuy nhiên trong suốt vài thập kỷ qua, hệ thống cảng biển của nước ta được xem là nghèo nàn, lạc hậu và có quy mô nhỏ. Những cảng lớn nhất nước như Tân Cảng, cảng Sài Gòn cũng chỉ đủ sức tiếp nhận các tàu biển có trọng tải trên dưới 30.000 tấn ra vào làm hàng. Chính vì vậy trong vài năm trở lại đây, khi những nỗ lực của nhà nước và các nhà đầu tư trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, những cố gắng của các nhà chuyên môn trong nghiên cứu ứng dụng khoa học để dẫn thành công hàng trăm chuyến tàu với tải trọng tăng dần từ 60.000 tấn, 80.000 tấn, 110.000 tấn, 117.000 tấn rồi 131.000 tấn và giờ đây là 157.000 tấn có thể coi là một bước tiến rất dài trong lịch sử ngành hàng hải Việt Nam.

Ngược thời gian trở lại sáu năm về trước, năm 2005, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 (hệ thống cảng biển thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà rịa – Vũng tàu) bằng Quyết định số 791/QĐ-TTg, cùng với nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, nhiều hãng tàu và nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đã quan tâm tìm cơ hội đầu tư khai thác cảng biển tại khu vực này.

Theo Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (Portcoast), thì cho đến thời điểm hiện nay, các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại đây để đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: PSA (Singapore) đối với cảng SP-PSA, Hutchison Port Holdings (Hong Kong) đối với cảng SITV, APMT - Maersk (Đan Mạch) đối với cảng CMIT, SSA Marine (Mỹ) đối với cảng SSIT, CMA-CGM (Pháp) đối với cảng Cái Mép Gemadept Terminal Link, MOL – Hanjin – Wanhai đối với cảng TCIT,...

Cảng Quốc tế Cái Mép là cảng container chuyên dụng, do liên doanh APM Terminal (Maersk Line’s – Đan Mạch) – Cảng Sài Gòn và Vinalines đầu tư. Cảng nằm ở hạ lưu Cái Mép, có chiều dài bến 600m. Mặc dù điều kiện luồng lạch còn hạn chế, quy hoạch chung đến năm 2010 chỉ cho cỡ tàu đến 80.000 tấn ra vào các cảng, tuy nhiên đón trước được xu hướng phát triển tàu lớn và khả năng cải tạo tuyến luồng, trong quá trình thực hiện đầu tư, chủ đầu tư cảng CMIT và tư vấn Portcoast đã xin phép thiết kế xây dựng bến cảng để cập và làm hàng cho tàu có trọng tải đến 160.000 tấn. Trong các năm 2009 – 2010, Portcoast cũng phối hợp với các cảng SP-PSA, CMIT, các hãng tàu, các cơ quan liên quan như Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Hoa tiêu tìm lối vào cho tàu lớn trên 100.000 tấn bằng các nghiên cứu, thử nghiệm mô phỏng chạy tàu trên không gian ảo tại trung tâm mô phỏng ở Malaysia, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu lớn vào, rời cảng và sau đó thử nghiệm chạy tàu thực tế thành công vào các cảng. Đây cũng là một trong những điều kiện căn bản để ngày hôm nay cảng CMIT có thể đón được con tàu khổng lồ này.

Siêu tàu Container CMA-CGM Laperouse …

Tàu Laperouse là một trong những con tàu lớn nhất của hãng tàu đứng thứ 3 thế giới CMA-CGM chuyên chạy tuyến châu Á – châu Âu. Tập đoàn vận tải biển CMA-CGM đã quyết định đổi tuyến FAL 5 thay thế tuyến FAL 3 ghé Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), trước khi chạy thẳng đến châu Âu. Đây là đội tàu lớn nhất từ trước đến nay cập cảng Quốc tế Cái Mép nói riệng và Việt Nam nói chung. Với trọng tải 157.092 tấn, dài 365,5m, rộng 51,2m, mớn nước thiết kế 15,5m, sức chở lên đến 14.000 TEUs (1 TEU tương đương với một container 20 feet), con tàu Container CMA-CGM Laperouse thuộc thế hệ siêu tàu container (Ultra Large Container Vessel - ULCV) và là một trong số ít con tàu thuộc thế hệ mới nhất này.

Khi ghé vào cảng CMIT, tàu CMA-CGM Laperouse mới chỉ chở 2/3 tải trọng thiết kế, khoảng gần 10.000 TEUs hàng container. Dự kiến sẽ nhận thêm khoảng 1.000 TEUs hàng hóa từ cảng xuất đi châu Âu.

Và ước mơ trung chuyển container quốc tế đang trở thành hiện thực

Đầu năm 2011, cảng quốc tế Cái Mép CMIT cũng bắt đầu khai thác giai đoạn 1. Tháng 03.2011, cảng CMIT đã đón thành công tàu container trọng tải 131.000DWT, sức chở 11.388 TEUs và hàng tuần, tàu xuất phát từ cảng này đi Châu Âu và châu Mỹ. Hiện nay CMIT đang trở thành điểm sáng cho ngành khai thác cảng biển Việt Nam khi tiếp nhận hàng trăm chuyến tàu container có trọng tải trên 100.000 tấn. Sự có mặt của hãng tàu lớn thứ 3 thế giới CMA – CGM tại Việt Nam cùng với việc đưa siêu tàu container Laperouse có sức chở lên đến 14.000 TEUs vào cảng CMIT để thiết lập tuyến mới Á – Âu từ cảng này sẽ góp phần đưa Cái Mép trở thành một điểm trung chuyển trong hành trình viễn dương của các hãng tàu lớn trên thế giới.

Như vậy, mặc dù Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn xác định cảng Trung chuyển quốc tế của Việt Nam là tại Vân Phong - Khánh Hòa và nếu xét về vị trí địa lý cũng như các điều kiện tự nhiên cho việc hình thành một cảng trung chuyển quốc tế thì Vân Phong – Khánh Hòa vẫn có nhiều ưu thế hơn so với Cái Mép – Thị Vải. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc triển khai đầu tư, nhất là đối với 2 bến khởi động cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong, chủ đầu tư thiếu nguồn lực, không tìm và liên kết được với “ít nhất một hãng tàu lớn trong TOP 10 hãng tàu lớn nhất thế giới” tham gia đầu tư và để trong quá trình khai thác sau này họ mang tàu và hàng đến cảng, lại là điểm yếu của Vân Phong so với Cái Mép. Yếu tố mang tính chủ quan này đã làm cho cơ hội hình thành và phát triển Cảng Trung chuyển quốc tế tại Vân Phong bị chậm lại và suy giảm rất nhiều. Trong bối cảnh đó, việc các hãng tàu hàng đầu thế giới có mặt tại khu vực Cái Mép – Thị Vải để đầu tư, khai thác cảng và việc đưa được các tàu mẹ có sức chở lên đến 14.000 TEUs vào khu vực Cái Mép đang dần dần đưa ước mơ cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam trở thành hiện thực.