Cán cân xuất - nhập hạt Điều
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 08:19, 13/12/2023
11 tháng chi hơn 3 tỷ USD nhập hạt điều
Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều (đào lộn hột) của nước ta đã chi ra 3,07 tỷ USD để nhập khẩu gần 2,66 triệu tấn hạt điều. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hạt điều nhập khẩu tăng mạnh 46,5%, giá trị tăng 19,2%.
5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều nhập từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 57,5% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều trong 11 tháng qua.
Tuy nhiên, cơ cấu thị trường nhập khẩu điều có sự thay đổi. Nước ta giảm nhập từ Campuchia và Tanzania nhưng tăng nhập từ Bờ Biển Ngà, Nigeria và Ghana.
Cụ thể, lượng điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà lên tới 850 nghìn tấn, giá trị đạt 919,3 triệu USD, tăng 86,6% về lượng và tăng 56,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Điều nhập từ Nigeria tăng đột biến 133,2% về lượng và tăng 89,7% về giá trị. Lượng điều nhập từ Ghana cũng tăng 71%, giá trị tăng 45,5%.
Ngược lại, điều nhập từ Campuchia giảm còn 613,2 nghìn tấn, giá trị đạt 835,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 13,8% về lượng và giảm 23,3% về giá trị. Dù vậy, Campuchia vẫn là thị trường cung cấp điều thô lớn thứ hai cho Việt Nam, chỉ xếp sau Bờ Biển Ngà.
Lý giải về lượng điều nhập khẩu tăng mạnh, chuyên gia trong ngành cho rằng giá loại hạt này thời gian qua ở mức thấp, doanh nghiệp tranh thủ gom mua lượng lớn về làm nguyên liệu chế biến.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Nguồn cung hạt điều thô nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến, 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.
Để thúc đẩy ngành điều phát triển, lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều để có nguồn nguyên liệu ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung điều thô từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho chế biến xuất khẩu điều của nước ta.
Xuất hơn nửa triệu tấn điều, khả năng đạt 3,1 tỷ USD
Do các doanh nghiệp nước ta ồ ạt nhập khẩu điều thô về phục vụ nhu cầu chế biến, khiến ngành hàng này luôn trong tình trạng nhập siêu.
Ở chiều ngược lại, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều đạt 516,9 nghìn tấn, giá trị đạt 2,95 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu điều tăng 21,8% về lượng và tăng 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ngành điều của nước ta chính thức lấy lại vị thế xuất siêu, đạt 430 triệu USD.
Đó là nhờ riêng trong tháng 10, nước ta xuất khẩu 64.320 tấn điều nhân, thu về 338,2 triệu USD, tăng mạnh 47,7% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với tháng 10/2022. Cùng với đó, giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 10 đạt mức 5.569 USD/tấn, tăng 2% so với tháng 9/2023.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, trừ Úc ghi nhận mức sụt giảm nhẹ, các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương.
Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai khách hàng chi lượng tiền nhiều nhất để mua điều nhân của nước ta, chiếm 42,6% kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong 10 tháng năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu điều sang Mỹ đạt 733 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Trung Quốc đạt 522,3 triệu USD, tăng mạnh 46,6%.
Tiếp đến, xuất khẩu sang Hà Lan đạt 295 triệu USD, tăng 19,8%; sang Đức đạt 99 triệu USD, tăng 8,4%; sang Thái Lan tăng 10,2%; sang Ả rập Xê út tăng 36,1%; xuất khẩu sang Canada, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Anh tăng lần lượt 9,3%, 59,9% và 7,3%.
Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo, nhiều khả năng năm 2023 ngành điều sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD, thậm chí còn vượt con số này. Bởi, theo yếu tố chu kỳ, hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động trong các tháng cuối năm. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều phục vụ cho các dịp lễ, tết sẽ tăng mạnh.