Biển Đỏ "dậy sóng", thổi bùng nguy cơ khủng hoảng vận tải toàn cầu
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 16:16, 22/12/2023
Hai công ty vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức và OOCL của Hong Kong ngày 21/12 thông báo sẽ tránh đưa các tàu qua Biển Đỏ. Động thái này diễn ra sau khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ đã gây tắc nghẽn các tuyến vận tải qua kênh đào Suez, nơi xử lý khoảng 12% thương mại trên toàn thế giới.
Kênh đào Suez là nơi đóng vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động vận tải hàng hóa giữa châu Á và châu Âu. Các nhà điều hành dịch vụ hậu cần toàn cầu cảnh báo, việc đưa các tàu đến các tuyến hàng hải thay thế có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng ứ đọng tại các cảng và thiếu hụt tàu, container cũng như thiết bị.
"Tình hình vẫn chưa ổn định, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng, đó là lý do các kế hoạch dự phòng bao gồm kế hoạch A, B và C rất quan trọng để duy trì chuỗi cung ứng tiếp tục hoạt động", Matthew Burgess, phó chủ tịch dịch vụ đại dương toàn cầu tại CH Robinson Worldwide, cho biết.
Hapag-Lloyd cho biết họ sẽ định tuyến lại 25 tàu vào cuối năm nay từ tuyến đường thủy quan trọng vì giá cước vận chuyển và tồn kho vận chuyển đã tăng do gián đoạn. Tránh Biển Đỏ và kênh đào Suez có nghĩa là phải đi một con đường dài hơn vòng quanh Châu Phi.
Houthi, nhóm được cho là có liên kết với Iran và là lực lượng kiểm soát phần lớn Yemen, đã tấn công các tàu đi qua eo biển Bab al-Mandab ở cuối phía nam Biển Đỏ trong nhiều tuần nhằm đáp trả cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đang cố gắng tìm giải pháp thay thế, bao gồm các chuyến bay hàng không, để đưa hàng tiêu dùng đến các nhà bán lẻ, mặc dù các hành trình vòng quanh châu Phi sẽ tăng thêm khoảng 10 đến 14 ngày.
Tập đoàn container OOCL có trụ sở tại Hong Kong nói rằng: "Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã hướng dẫn các tàu do OOCL điều hành chuyển hướng hoặc dừng hành trình đến Biển Đỏ".
Christian Sur, phó chủ tịch điều hành vận tải đường biển tại Unique Logistics cho biết, một cuộc khủng hoảng tại một điểm duy nhất trong chuỗi cung ứng có thể khiến các tàu chen chúc nhau, làm đảo lộn lịch trình đến và đi tại các cảng biển và gây ra tình trạng chậm trễ hàng loạt trên toàn hệ thống.
Đầu tuần này, Freightos cho biết chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải đã tăng 44% lên 2.413 USD chỉ trong tháng 12, do sự gián đoạn ở Biển Đỏ.
Hãng đồ nội thất toàn cầu IKEA là một trong những nhà vận chuyển cảnh báo về nguy cơ chậm trễ vận chuyển hàng hóa và thiếu hụt sản phẩm. Ở những nơi khác, nhà sản xuất thang máy Phần Lan Kone ước tính rằng một số lô hàng có thể bị trì hoãn từ 2 đến 3 tuần.
Trong khi hàng hóa vận chuyển bằng container, bao gồm quần áo, đồ chơi và thực phẩm có nguy cơ cao nhất thì các sản phẩm khác cũng đang bị ảnh hưởng.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng một số nhà bán lẻ có thể bắt đầu thiếu một số mặt hàng vào tháng 2, mặc dù sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty đã tìm kiếm khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng bằng cách mua hàng từ các nhà xuất khẩu ở các khu vực khác nhau.
Hy Lạp hôm 21/12 cho biết họ sẽ cử một tàu khu trục hải quân đến Biển Đỏ để giúp bảo vệ hoạt động vận chuyển hàng hải trong khuôn khổ liên minh đa quốc gia do Mỹ thành lập nhằm đảm bảo việc đi lại an toàn qua tuyến đường thủy này.
Các chủ tàu Hy Lạp kiểm soát khoảng 20% số tàu thương mại trên thế giới xét về sức chở.
Tuy nhiên, một số quốc gia mà Mỹ cho biết sẽ tham gia liên minh đã ra tín hiệu rằng, họ không mong muốn việc các nước triển khai ồ ạt sức mạnh hải quân đến khu vực trong khi Ả rập Xê út, nước giáp Biển Đỏ, không có tên trong danh sách tham gia.
Trong khi đó, thủ lĩnh Houthi đã đe dọa sẽ leo thang các cuộc tấn công nhằm vào các tàu hải quân Mỹ, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn quanh eo biển Bab al-Mandab.