Nghệ An nghiên cứu mở đường bay Vinh - Trung Quốc
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 08:42, 10/01/2024
Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác vận tải năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, hiện nay Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An) duy trì khai thác 9 đường bay nội địa, với tần suất 26 đến 27 lượt cất/hạ cánh/ngày. Ngoài ra, còn có 1 đường bay quốc tế Vinh - Đài Loan theo hình thức charter 1 chuyến/tháng.
Năm 2023, lượng hành khách thông qua Cảng ước đạt 2,5 triệu người (giảm 5% với cùng kỳ năm 2022). Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tham mưu mở đường bay Vinh - Trung Quốc.
Trong đó, mỗi năm có khoảng hơn 2.000 lượt khách từ Trung Quốc đến Nghệ An, trên 1.000 lượt từ Nghệ An đến Trung Quốc. Do vậy, tỉnh Nghệ An đang xem xét mở đường bay quốc tế Vinh – Trung Quốc.
Được biết, Cảng Hàng không quốc tế Vinh hiện là cảng hàng không cấp 4E theo quy định ICAO, 6 hãng hàng không đang khai thác chính đường bay với tần suất trung bình 26 đến 28 chuyến bay/ngày tương ứng với 52 đến 56 lượt cất hạ cánh/ ngày; lượng hành khách thông qua cảng năm 2023 đạt 2,6 triệu hành khách.
Trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không sân bay thời kỳ 2021-2030 Cảng hàng không quốc tế Vinh có quy mô cấp sân bay là 4E với tổng diện tích 557 ha, công suất thiết kế dự kiến 8 triệu hành khách/năm là cảng hàng không lớn thứ 6/14 cảng hàng không quốc tế Việt Nam. Ước tính chi phí đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vinh giai đoạn này là 14.942 tỷ đồng.
Xếp hạng các cảng hàng không theo công suất thiết kế đón khách lần lượt là: Cảng hàng công quốc tế Nội bài 60 triệu hành khách/năm; Tân Sơn Nhất 50 triệu hành khác/ năm; Cam Ranh 25 triệu hành khách/năm; Đà Nẵng 25 triệu hành khách/năm; Long Thành 25 triệu hành khách/năm; Cát Bi 13 triệu hành khách/năm; Chu Lai 10 triệu hành khách/năm; Phú Quốc 10 triệu thành khách/năm.
Định hướng năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh có công suất thiết kế dự kiến đón được 14 triệu hành khách/năm. Ước tính chi phí đầu tư cảng hàng của quốc tế Vinh theo quy hoạch giai đoạn này là 8.905 tỷ đồng.
Được biết, những năm gần đây, Nghệ An đang là điểm đến của các “ông lớn” chuyên sản xuất công nghệ từ Trung Quốc và Đài Loan. Thực tế, Nghệ An không thuộc nhóm các địa phương thu hút vốn FDI số 1 về quy mô nhưng là tỉnh duy nhất quy tụ đủ 5 ông lớn công nghệ Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng. Do vậy, việc mở đường bay Vinh – Trung Quốc là điều kiện cần để Nghệ An không những thu hút khách du lịch mà còn để “dọn đường” cho các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển.