Nghệ An ngăn chặn các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi
Văn hóa - Ngày đăng : 13:35, 11/01/2024
Trong công văn, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, và các địa phương có các hoạt động lễ hội thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Công văn cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn và ban tổ chức lễ hội trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội theo quy định; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án, điều kiện để lễ hội trên địa bàn diễn ra đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót.
Đặc biệt, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; ngăn chặn các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…, âm thanh mở quá mức độ cho phép, tình trạng lộn xộn trong thực hành nghi lễ tại các di tích, lễ hội; tổ chức lễ hội trái quy định, gây tốn kém lãng phí, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, ban tổ chức lễ hội. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được phụng thờ, tôn vinh, về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống; về thực hành nếp sống văn minh tại lễ hội, di tích; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.
Chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước (đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước).
UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, di tích theo quy định của pháp luật.
Ở Nghệ An, với sức sống mãnh liệt vốn có, lễ hội đã bùng nổ trở lại như một hiện tượng xã hội, nó trỗi dậy ở mọi miền quê với một sinh khí mới. Hàng chục lễ hội nổi tiếng ngày xưa đã bị mai một, nay được phục hồi và phát triển trên khắp các địa bàn trong tỉnh như: Lễ hội đền Cờn (TX Hoàng Mai), Lễ hội đền Cuông (ở Diễn Châu), Lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương), Lễ hội Rước Hến, Lễ hội đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Lễ hội đền Vua Mai (Nam Đàn), Lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương), Lễ hội đền Hồng Sơn, chùa Sư Nữ (thành phố Vinh)… Ở vùng rừng núi miền Tây xứ Nghệ có Lễ hội Xăng Khan, Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội đền Rậm (Của Rào Tương Dương)…
Cùng với các lễ hội dân gian cổ truyền, ngành Văn hóa - Thông tin Nghệ An đã chỉ đạo tổ chức một số lễ hội mới mang màu sắc hiện đại như: Lễ hội làng Sen, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), lễ hội sông nước Cửa Lò (được nâng lên từ lễ hội đền Vạn Lộc, thờ Đô đốc Tướng công Nguyễn Sư Hồi, khai mạc vào mùa du lịch biển Cửa Lò 30/4 - 1/5), lễ hội uống nước nhớ nguồn (ở Anh Sơn, vào dịp 27-7), kỷ niệm những người con của quê hương, đất nước đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc… Có thể xem đây là những sản phẩm đầy sáng tạo của người dân xứ Nghệ, dần dần được truyền thống hóa, được công chúng ghi nhận, thăng hoa thành nét đẹp mới, một bản sắc riêng trong đời sống văn hóa ở Nghệ An.
Ngoài ra, hoạt động lễ hội trên đất Nghệ An còn phát triển ở các loại hình: Kỷ niệm những ngày lễ lớn, kỷ niệm danh nhân, đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, đón bằng công nhận làng, bản, khối phố văn hóa… Nhưng dù là lễ hội dân gian, cổ truyền hay lễ hội mới hiện đại đều gắn liền với một hay nhiều di tích trên địa bàn đó: “Lễ hội đền Cuông” gắn với Di tích đền Cuông, thờ Thục An Dương Vương; “Lễ hội đền Cơn” gắn với Di tích đền Cơn trong và đền Cờn ngoài; “Lễ hội hang Bua” gắn với di tích danh thắng hang Bua; “Lễ hội làng Sen” gắn với Khu Di tích Kim Liên; Lễ hội “uống nước nhớ nguồn”, gắn với Nghĩa trang liệt sĩ Việt Lào…
Có thể nói, từ khi Nhà nước ban hành pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, có chủ trương xếp hạng, đầu tư, tu bổ, chống xuống cấp di tích, tổ chức tuyên truyền về di tích thì lễ hội ở Nghệ An thực sự có “đất” để “hồi sinh”. Bởi lẽ, lễ hội truyền thống thường gắn với yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo mà các di tích lại là những thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, là nơi thờ phụng, tưởng niệm những người có công với dân, với nước (dẫu là nhân thần hay nhiên thần), là nơi để thực hiện những thủ tục có tính nghi thức, thể hiện sự linh thiêng và trang nghiêm của phần lễ, là những ‘tích” để “dịch nên trò” trong ngày hội... Vì vậy, di tích là địa chỉ tin cậy của lễ hội. Mặt khác, phải thừa nhận rằng: ở các di tích có một ưu thế, một tiềm năng rất lớn để thu hút mọi người đến với lễ hội. Đó là những công trình kiến trúc đặc sắc, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa và mang tính nhân văn cao. Đó là những cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Mọi người đến với lễ hội, đến với di tích sẽ vừa được thỏa mãn khát vọng về tâm linh, vừa có dịp thả hồn vào những cảnh quan của thiên nhiên kỳ thú.
Những năm qua, việc khôi phục lễ hội gắn với di tích ở Nghệ An đã được phát huy có hiệu quả. Tuy còn có một số hạn chế như: Một số lễ hội còn nặng về phần lễ, các hoạt động hội chưa phong phú. Đây đó cũng còn có một số biểu hiện tiêu cực, lệch lạc so với các lễ hội dân gian truyền thống vốn có và quy chế hoạt động lễ hội của Bộ như: mê tín, bói toán, xóc thẻ, xin xăm, chữa bệnh bằng phù phép, cờ bạc, rượu chè… làm vẩn đục bầu không khí trong lành của ngày hội, ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của từng người trong lễ hội. Do vậy, việc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 164/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 là hết sức cần thiết.