Giải pháp phát triển cho doanh nghiệp bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 15:52, 19/01/2024

Tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” do Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Group Review Bất động sản tổ chức, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Quốc gia đã đưa ra một số kiến nghị cho cơ quan quản lý và giải pháp phát triển cho doanh nghiệp bất động sản.
ha-ong-can-van-luc-19012024.png
Ông Cấn Văn Lực phát biểu tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”

Chính sách đã có tác dộng tích cực và theo hướng chặt chẽ hơn

Theo thống kê của ông Cấn Văn Lực, đến hết 2023, tín dụng bất động sản (BĐS) đạt 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,4% tổng dư nợ của nền kinh tế), ước tăng khoảng 6,75% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 36%. Tín dụng kinh doanh BĐS tăng 22%,  tín dụng nhà ở giảm 0,7% .

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 4.725, giảm 45% với vốn đăng ký 296,8 nghìn tỷ đồng (giảm 35,2%); 2.270 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 9,1% so với cùng kỳ 2022).

Về nguồn vốn FDI đăng ký mới và góp vốn, mua cổ phần vào bất động sản đạt 4,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn FDI đăng ký), đứng thứ 2/18 ngành, vốn FDI thực hiện đạt 1,15 tỷ USD (chiếm 5%).

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu được 73,2 nghìn tỷ chiếm 23,5% trên toàn thị trường.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, một số chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản năm 2023-2024 đã có tác động tích cực và theo hướng chặt chẽ hơn như: Thông tư 22/2023/TT-NHNN ngày 29/12/2023 giảm trọng số rủi ro đối với cho vay khu công nghiệp và nhà ở xã hội; NHNN đã giao hạn mức tín dụng tăng khoảng 15% năm 2024; Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch bền vững; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm với các chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí năm 2023 (qui mô khoảng gần 200.000 tỷ đồng, tương đương ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 80.000 tỷ đồng), tiếp tục giảm 2% VAT trong 6 tháng năm 2024, giảm thuế bảo vệ môi trường năm 2024…

Kiến nghị cho cơ quan quản lý và giải pháp phát triển cho doanh nghiệp

Theo ông Lực, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp các phân khúc còn thiếu cung. Qua đó, ông đưa ra một số kiến nghị cho cơ quan quản lý như phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính; kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro (từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng); quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính – bất động sản; chú trọng điều tiết cung – cầu BĐS, giá cả.

Sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua; thực hiện tốt các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư …nêu trên; đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; hoàn thiện thể chế theo hướng ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…; sửa đổi phù hợp Nghị định 65 (2022) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt; quỹ tiết kiệm nhà ở/quỹ phát triển NOXH, quỹ REITs, Cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS; có lộ trình đánh thuế BĐS phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch BĐS.

Còn với doanh nghiệp bất động sản, ông đưa ra các giải pháp phát triển như: có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ TPDN đáo hạn (nhất là năm 2024); đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, tiền từ khách hàng, quỹ REIT, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể.

Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; quan tâm quản lý rủi ro tài chính (lãi suất, tỷ giá, dòng tiền, đòn bẩy tài chính…).

Nghiên cứu điểm chính, có liên quan từ các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023….; tích cực góp ý, phản biện chính sách, văn bản pháp luật liên quan.

Minh Tân