An ninh hàng hải, một trong 5 vấn đề lo ngại khi Biển Đỏ "dậy sóng"
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 14:03, 21/01/2024
Quân đội Mỹ, Anh cùng với sự hỗ trợ của Hà Lan, Australia, Bahrain và Canada ngày 12/1 đã tiến hành cuộc tập kích lớn bằng các loại vũ khí, khí tài hiện đại - trong đó có tên lửa Tomahawk - nhằm vào các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi ở thủ đô Sanaa của Yemen và các khu vực khác.
Hiện tại, liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn tiếp tục tiến hành không kích nhằm làm "suy giảm khả năng của Houthi trong việc tấn công các tàu trên biển, bao gồm cả tàu thương mại".
Phản ứng trước các đòn tập kích của liên quân Mỹ, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ trừng phạt hoặc trả đũa xứng đáng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông sẽ tiếp tục ra lệnh tấn công nếu lực lượng Houthi vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh, cuộc không kích nhằm vào các cơ sở của Houthi tại Yemen là "cần thiết và phù hợp".
Theo người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, các cuộc tấn công ban đầu đã ảnh hưởng đến khả năng cất trữ, phóng và dẫn đường tên lửa hoặc máy bay không người lái của Houthi.
Trong khi đó, Nga lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công này, coi đây là hành động coi thường luật pháp quốc tế, làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên liên quan không làm tình hình leo thang hơn nữa vì hòa bình và ổn định ở Biển Đỏ và trong khu vực. Ngày 13/01, ông Hans Grundberg - Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen - kêu gọi "tất cả các bên liên quan" ở Yemen kiềm chế tối đa và cảnh báo về tình hình ngày càng bấp bênh trong khu vực.
Giới quan sát đánh giá, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu các cuộc không kích do của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu Houthi ở Yemen có đủ cơ sở pháp lý theo quy định của luật pháp quốc tế hay không nhưng nó đã chính thức đưa Mỹ và Anh thành bên tham gia trực tiếp vào các điểm nóng hiện nay ở Trung Đông.
Động thái này có thể châm ngòi cho các vòng xoáy đối đầu, căng thẳng leo thang và xung đột có thể lan rộng ra toàn khu vực bất cứ khi nào. Hiện nay, nhiều quốc gia Trung Đông đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao về nguy cơ này.
Vấn đề phức tạp, hậu quả nhãn tiền
Biển Đỏ nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez là tuyến đường huyết mạch về năng lượng và thương mại quốc tế khi vận chuyển tới 12% khối lượng thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở vùng biển này đã khiến tuyến đường thương mại quan trọng nối châu Âu và châu Á sụp đổ trong những tuần gần đây, đẩy Trung Đông chìm sâu hơn vào vòng xoáy của xung đột và bạo lực, đồng thời góp phần vào sự sụt giảm của thương mại toàn cầu.
Theo dữ liệu mà Viện IfW Kiel của Đức công bố, từ tháng 11 đến 12/2023, thương mại toàn cầu đã giảm 1,3%, khối lượng container qua Biển Đỏ đã giảm mạnh và hiện thấp hơn gần 70% so với lưu lượng thông thường.
Tình hình ở Biển Đỏ nói riêng và khu vực Trung Đông hiện nay đang vô cùng phức tạp, khó lường với những hậu quả nghiệm trọng có thể xảy ra.
Một là, tình trạng nguy hiểm hiện tại ở Biển Đỏ đã dẫn đến việc thị trường bảo hiểm hàng hải London (Anh) phân loại lại khu vực này ở mức rủi ro cao, đồng nghĩa với việc phí bảo hiểm và nói rộng ra là chi phí hàng hóa sẽ tăng cao.
Hơn nữa, các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại được cho là có mối liên hệ với Israel đã buộc các hãng vận tải khổng lồ toàn cầu như Maersk, Hapag-Lloyd, CMA và CGM cũng như tập đoàn dầu mỏ BP phải tạm ngừng các chuyến hàng qua vùng biển này và tái định tuyến qua mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi. Việc này khiến mỗi chuyến hàng khứ hồi kéo dài thêm 3 tuần và tăng thêm 50% chi phí.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải leo thang và xung đột nguy cơ lan rộng không chỉ là vấn đề khu vực mà sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn còn đang chìm trong lạm phát. Các tác động lan tỏa của một nền kinh tế toàn cầu gắn kết có thể sẽ rất lớn và kéo dài.
Hai là, liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng" là rất quan trọng để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển huyết mạch qua Biển Đỏ, tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa thực sự được xác định, nhất là khi một số đồng minh rút lại cam kết đối với hoạt động này.
Mỹ, Anh và đối tác có thể sẽ thiệt hại đáng kể nếu tình hình leo thang hơn nữa, thậm chí Mỹ có thể bị sa lầy vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông với những tác động về kinh tế, chính trị và an ninh sâu sắc. Hơn nữa, việc các chủ thể chủ chốt trong khu vực không tham gia có thể khiến hạn chế các hoạt động của liên minh.
Ba là, một khía cạnh cũng rất đáng quan tâm đối với căng thẳng hiện nay đó là sự chênh lệch về chi phí trong phương pháp triển khai vũ khí của hai bên.
Lực lượng Houthi sử dụng UAV giá rẻ trong các cuộc tấn công nhưng đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc làm gián đoạn những tuyến vận chuyển chính và tạo ra các mối đe dọa đáng kể về an ninh. Tuy nhiên, hiệu quả của các cuộc tấn công bằng UAV không đồng nghĩa với việc Houthi có thể duy trì được các cuộc tấn công trong một thời gian dài mà không gặp các trở ngại về vấn đề tài chính.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh đáp trả bằng các hệ thống và vũ khí phòng thủ phức tạp, chi phí cao nhưng xét về mặt kinh tế, việc này là không phù hợp. Sự chênh lệch này có nghĩa dù có thể chống lại các mối đe dọa từ Houthi một cách hiệu quả thì gánh nặng tài chính cũng rất cao và có thể làm cạn kiệt nguồn lực của các bên tham gia và có thể tác động ngược lại với nền kinh tế của chính họ.
Bốn là, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các tuyến vận tải trên Biển Đỏ cũng tạo thêm lớp ý nghĩa toàn cầu của cuộc xung đột, ảnh hưởng đến các quyết định quốc tế và làm phức tạp thêm các động lực của khu vực.
Việc Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động hàng hải ở Biển Đỏ được thông qua ngày 10/01 với 11 phiếu thuận, không có phiếu chống, 4 phiếu trắng của Nga, Trung Quốc, Mozambique và Algeria là rất đáng chú ý.
Điều này cho thấy cách tiếp cận đa sắc thái của các siêu cường như Nga và Trung Quốc đối với các vấn đề trong khu vực, nhất là trong bối cảnh quan hệ của hai nước này với thế giới Ả rập có nhiều bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây.
Năm là, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ chỉ riêng sự hiện diện quân sự không thể giải quyết được các động lực chính trị phức tạp đang thúc đẩy cuộc xung đột này. Chiến dịch bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đỏ do Mỹ, Anh và các lực lượng khác đang tiến hành hiện nay dù hiệu quả nhưng cũng chỉ có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải có cách tiếp cận toàn diện và mang tính ngoại giao để giải quyết những vấn đề cơ bản này một cách hiệu quả.
Giải pháp nào làm dịu căng thẳng?
Tình hình Trung Đông hiện nay đang vô cùng nguy hiểm khi mà cuộc chiến Israel - Hamas chưa có hồi kết, lệnh ngừng bắn vẫn chưa đạt được thì giao tranh vẫn tiếp tục nổ ra ở biên giới Israel - Li Băng, còn Biển Đỏ thì căng như dây đàn với các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu hàng được cho là có mối liên hệ với Israel cũng như đòn trả đũa của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Các diễn biến nóng liên tiếp xảy ra đang đẩy Trung Đông - một trong những khu vực quan trọng về mặt chiến lược nhưng lại mong manh về mặt chính trị nhất trên thế giới - vào vòng luẩn quẩn của bạo lực, xung đột, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực cũng như nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong đà phục hồi mong manh sau đại dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là các bên liên quan cần theo đuổi chiến lược ưu tiên hòa bình và ổn định kinh tế thông qua các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng và tìm kiếm giải pháp cho xung đột. Không thể khôi phục hòa bình cho Biển Đỏ bằng biện pháp quân sự như hiện nay.
Nỗ lực trước mắt là phải đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza bởi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi thứ khác, là ưu tiên hàng đầu cho các nỗ lực ngoại giao khu vực và quốc tế để giải quyết các điểm nóng ở Trung Đông nếu không, khu vực này sẽ đứng bên bờ vực của khủng hoảng và xung đột lan rộng kéo dài.
Con đường dẫn tới hòa bình không chỉ là một nhu cầu cần thiết về mặt đạo đức và kinh tế, đó còn là một chiến lược phù hợp với lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế cũng như chuẩn mực mà con người hướng tới.
Trong một thế giới với những vận mệnh kinh tế có mối liên hệ sâu sắc với nhau, điều cần thiết là phải thúc đẩy hòa bình, ổn định để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển và bảo vệ sự thịnh vượng của mỗi nước nói riêng và thế giới nói chung.