Bình Dương: Hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Logistics xanh - Ngày đăng : 15:43, 24/01/2024
Bình Dương: Hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
“Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung” - ông Mai Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đại diện phát biểu.
Đây là lời phát biểu của ông Mai Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương tại Hội thảo Net Zero: “Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, Tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững”, diễn ra sáng 18/1 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phối hợp tổ chức.
Thành quả ban đầu
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới bởi nó ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Các chuyên gia thảo luận về chương trình hỗ trợ quốc tế và cơ hội tài chính xanh tại hội thảo
Với Việt Nam, việc đặt ra mục tiêu tại COP 26 là đạt được Net Zero vào năm 2050 được xem là rất thách thức, nhưng mặt khác lại là cơ hội lớn để nước ta có thể chuyển đổi sang nền sản xuất phát thải carbon thấp, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo
Đối với Bình Dương, sau 25 năm hình thành và phát triển, việc áp dụng các chiến lược phát triển tổng hòa, đặc biệt là mô hình phát triển Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ đã giúp địa phương này đạt được nhiều thành quả: Quy mô kinh tế tổng sản phẩm trên địa bàn Bình Dương đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. GRDP bình quân đầu người hiện nay đã lên tới 7.000 USD/người/năm.
Theo đó, mô hình phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ được xem là mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị bao gồm đầy đủ các cấu phần về đô thị cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội và khu tái định cư, không gian xanh, công viên,… trên nền tảng là hệ thống giao thông bài bản gắn với mô hình TOD, kết nối nội khu, liên huyện và liền vùng, đan xen là hệ thống giáo dục đào tạo các cấp đạt chuẩn quốc tế, hệ thống y tế chất lượng cao.
“Mô hình phát triển này tạo ra một môi trường sống phục vụ được tới mọi tầng lớp xã hội, trong đó nhà đầu tư tìm được người lao động, người lao động tìm được việc làm, người dân địa phương được ở lại trên mảnh đất cha ông và được chuyển từ hoạt động sản xuất nông nghiệp sang hoạt động thương mại và dịch vụ. Tất cả đều bình đẳng thụ hưởng thành quả phát triển chung”.
Mai Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương
Lấy phát triển bền vững làm trọng tâm
Bình Dương được đánh giá là một địa phương tham gia tích cực vào quá trình Việt Nam hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Dựa trên những kết quả từ mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ, tỉnh Bình Dương đang hướng tới mô hình Công nghiệp Thông minh Sinh thái, trên nền tảng triết lý phát triển “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa – Chính quyền năng động kiến tạo”, bổ sung cho mô hình cũ.
Mô hình mới được xem là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, lấy phát triển bền vững làm trọng tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết. Mô hình phát triển mới được tạo ra nhằm thích nghi với những biến động do các yếu tố chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.
“Bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0 không chỉ là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương”.
Mai Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương