Những bước tiến đáng kể của ngành logistics Việt Nam
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 11:29, 27/01/2024
Những bước tiến đáng kể của ngành logistics
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất xã hội, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 14 tháng 2 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg v/v phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Có thể nói đây là một văn bản quan trọng bước đầu đánh dấu sự quan của các cấp, các ngành đến phát triển của ngành dịch vụ logistics của Việt Nam kể từ sau khi ban hành Luật Thương mại năm 2005.
Hôm nay, sau 7 năm triển khai Quyết định 200, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở nước ta nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sử dụng có hiệu quả các công cụ quản lý đối với hoạt động logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu sau:
Thứ nhất, nhận thức về vai trò và tiềm năng phát triển ngành dịch vụ logistics được nâng cao ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và các Hiệp hội, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện rõ trong các chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội có liên quan, về cơ bản đều chủ động ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg.
Thứ hai, trong 7 năm vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của các cấp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành dịch vụ logistics đã từng bước tạo lập và hoàn thiện khung pháp lý. Bên cạnh Quyết định số 200/QĐ-TTg, Quyết định số 221/QĐ-TTg, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP và Chỉ thị số 21/CT-TTg vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 và Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2022. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dịch vụ logistics chính thức được Chính phủ giao Bộ Công Thương và Nghị quyết số 163/NQ-CP này mang tính đột phá cao tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thúc đẩy hoạt động logistics của nước ta ngày càng phát triển bền vững.
Thứ ba, ngành dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu và sản xuất, lưu thông phân phối trong nước. Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển trên thế giới, nhưng những năm qua ngành dịch vụ logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ USD năm 2017 lên 681,1 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2023. Đặc biệt trong những năm 2020, 2021 và 2022 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu luôn tăng trưởng dương bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Thứ tư, hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.
Thứ năm, thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics cũng gia tăng và từng bước được nâng cao, tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.
Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Chất lượng cung cấp dịch vụ logistics được nâng cao rõ rệt, số lượng các dịch vụ logistics được cung cấp đa dạng, thị trường logistics của Việt Nam được mở rộng, các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao.
Thứ sáu, hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ và các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics cũng ngày càng được quan tâm phát triển. Số lượng các trường, viện, cơ sở tham gia đào tạo về logistics ngày càng tăng, chương trình đào tạo được nâng cấp theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tế, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và nâng cao về trình độ. Nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong quản lý kho bãi, phương tiện, hàng hóa giúp hoạt động dịch vụ logistics được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn.
Hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành logistics hiện nay đã được thực hiện ở 3 cấp độ: (i) đại học và trên đại học; (ii) cao đẳng và trung cấp; (iii) đào tạo nghề ngắn hạn. Bên cạnh đó, các khóa đào tạo ngắn hạn cũng được các Bộ, ngành phối hợp cùng các hiệp hội tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân lực trong ngành dịch vụ logistics.
Thứ bảy, cơ chế đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước về logistics với doanh nghiệp cũng như công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát triển dịch vụ logistics ngày càng được tăng cường. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương đều đặn chủ trì tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam, tạo được sự kết nối chặt chẽ và đối thoại thẳng thắn ở cả ba cấp độ giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương với các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Những tồn tại cần giải quyết
Ông Trần Thanh Hai cho rằng, hoạt động phát triển logistics quốc gia vẫn còn một số tồn tại như sau:
Thứ nhất, trong thời gian vừa qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc tiếp tục xây dựng khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn, các cơ quan quản lý cấp Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu là do một số các quy định vẫn còn chồng chéo chưa phù hợp.
Thứ hai, công tác phối hợp nghiên cứu, triển khai xây dựng quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực; một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được.
Thứ ba, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ còn chưa đáp ứng được các thị trường khó tính. Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp, về vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Bên cạnh đó, là hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.
Thứ tư, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại doanh nghiệp dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lớn các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics là các ứng dụng cơ bản với những chức năng riêng biệt như quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải hay khai báo hải quan... Nguyên nhân chính là khó khăn về tài chính do chi phí để đầu tư chuyển đổi số lớn trong khi phần lớn các doạnh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ với số vốn hạn chế. Bên cạnh đó, về nhận thức, trình độ, thói quen của cả lãnh đạo và nhân viên, cùng với việc lựa chọn công nghệ thích hợp cũng là một rào cản.
Thứ năm, hoạt động triển khai, điều phối các nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành dịch vụ logistics bao gồm nhiều lĩnh vực thuộc sự quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Cơ chế phối hợp, thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp còn chậm trễ. Bộ máy tổ chức và cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý nhà nước về dịch vụ logistics còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao.