Ngày xuân đọc thơ Tết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Văn hóa - Ngày đăng : 10:10, 07/02/2024
Cách đây 2 năm, nhà thơ Trần Mạnh Hảo giới thiệu với bạn đọc yêu thơ và đồng nghiệp Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, NXB Hội Nhà văn. Đây gần như là lần tái xuất hiện trước công chúng bằng tác phẩm sau mấy chục năm “im hơi lặng tiếng” trên thi đàn.
Tuyển tập dày dặn, những hơn 450 trang in, số lượng bài hơn thế, gồm 473 bài. Trần Mạnh Hảo vẫn thế, nhà thơ của suy tư, ưu tư...; ở ngoài thất thập, cuộc sống đã tràn đầy trong tâm hồn ông, chỉ chờ lúc ông gọi ra. Biên độ cảm xúc từ làng ra phố, từ xưa xa đến hiện tại, từ cỏ cây đến bầu trời, từ cổ tới kim; tạo nên một không gian nghệ thuật thơ đặc sắc.
Trong “bản đồ rậm rịt” của cảm xúc, ông có mảng thơ Tết, thơ về mùa xuân. “Từng đôi lứa Noel”, “Tết này mẹ vẫn đợi con”, “Em trong gương mùa xuân”, “Mùa xuân ru con”, “Con sâu đo đi Tết”, “Lời ngỏ mùa xuân”, “Tết xưa”, “Mẹ xưa giáp Tết”...
....
Chiều ba mươi ghé đầu làng
Biết đâu con chẳng quá giang xe đò
Mẹ về nhóm bếp co ro
Gió đừng đập cửa làm cho mẹ mừng
(Tết này mẹ vẫn đợi con)
...
Mẹ còn khoai ủ trong tro
Lặng nghe khói bếp hẹn hò khói nhang
Mới nghe chó sủa đầu làng
Mẹ xưa còn tưởng là con đang về
(Mẹ xưa giáp Tết)
Hình ảnh người mẹ hiện lên trong hai khổ thơ, ở hai bài thơ thật gần gũi, thân thương, da diết. Những ngày Tết ở phía Bắc thường dễ mưa lạnh, ngoài đồng đang vào vụ đổ ải, trong vườn cải diếp, xà lách, su hào khép nép giữa gió bấc...Ngày xưa nghèo, người mẹ thường “nhóm bếp co ro”, hai bàn tay hơ lên trước lửa...Người mẹ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã mất, nhưng ký ức nguyên vẹn. Đó là ký ức đẹp, mong ngóng những đứa con xa, “Mới nghe chó sủa đầu làng / Mẹ xưa còn tưởng là con đang về”. Trên đời này, mẹ nào không mong ngóng con, con nào không trông mẹ? Trước hết, bắt nguồn từ bản năng giống nòi, khát vọng che chở.
Trần Mạnh Hảo từ lâu sinh sống ở phương Nam. Bài “Tết này mẹ vẫn đợi con” ông viết nhân ngày giỗ lần thứ 20 của mẹ ông, mồng 6 tháng Chạp năm Bính Tý 1997; bài “Mẹ xưa giáp Tết”, ông viết lần giỗ thứ 22 của bà, áp Tết Mậu Tuất. Người xưa nói: “Chết một ngài ngái một bậc”, (thành ngữ Xứ Nghệ), bố mẹ khi đã về miền mây trắng cùng tổ tiên, quê hương ít đi phần thúc hối. Thế nhưng, làng quê luôn là nơi cất giấu hồi ức, từ tuổi ấu thơ, cho đến lúc từ giã trường làng, nhập vào cuộc đời, bươn chải. Tết đến, bồi hồi Tết xưa.
...
Khói nâng mái rạ lên chiều
Cha nhờ gió buộc cây nêu mưa phùn
Tôi ngồi xem lửa run run
Mẹ mang rế rách chổi cùn giấu đi
(Tết xưa)
Tuổi thơ của một thời phùn, bấc đói kém hiện lên trong những câu thơ của Trần Mạnh Hảo. Thơ cứ thế là nơi lưu giữ ký ức cùng thời gian. Thời gian khó nhưng bình yên, đẹp đến thánh thiện. “Giao thừa pháo chuột hi hi / Mẹ cha cho tuổi mà đi thành người / Ngoảnh thương mây lạnh trắng trời / Những mơ quánh lại trong nồi thịt đông”, (Tết xưa).
...
Tết là nhớ lại tuổi thơ
Già rồi xuân đến ngồi mơ nhi đồng
Mẹ giờ đi chợ hư không
Giao thừa con thắp hương trông mẹ về
(Xin mẹ tuổi thơ)
Quê hương là nơi có phần mộ Tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Tết là dịp đoàn viên, ai nguôi ngoai nỗi nhớ? Ông tưởng tượng ra mẹ mình còn đang nhóm bếp, chờ con, lo cho mẹ, sợ làn gió đập cửa, mẹ già ngỡ con trai mình về. “.../ Mẹ như cây chuối bờ rào / Lá khô còn đắp ấm vào thân cây”, lòng mẹ bao giờ cũng thế, chở che, dâng hiến. Trong lòng mẹ là nơi bình yên nhất. Ông mềm lòng, thảng thốt khi nghĩ về mẹ, đã không còn: “Sờ lên mái tóc rễ cây / Chợt nghe mưa bụi trắng tay người về”. Những câu thơ xúc động.
...
Tết về viếng mẹ thương cha
Đứa con quê kiểng lạc ra thị thành
Ai vừa nghiêng nón trời xanh
Ngoảnh đi người của đoạn đành ngày xưa
(Về làng ăn Tết)
Trần Mạnh Hảo là người sống nặng lòng, thổn thức tri ân, hiếu nghĩa. Ông đặc biệt yêu mẹ, nhớ mẹ, dẫu bà đã đi xa; ngay cả ông cũng đã đến tuổi ông bà. Trong tâm khảm Trần Mạnh Hảo luôn có hình ảnh người mẹ, tần tảo, lặn lội, ngay cả những ngày Tết vẫn đâu được nghỉ ngơi. “Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò Tết”, “Mẹ xưa giáp Tết”... là những bài thơ xúc động, tạo dư ba.
...
Trời cắt ruột mẹ lượm từng thóc lép
Ngụp sông tìm cái tết nuôi con
Giờ mẹ vẫn ngoài đồng mò tôm tép
Đói rét ơi đói rét vẫn đang còn
....
Tâm hồn con là dòng sông rét mướt
Mẹ mò tết nuôi con dù đã ở trên trời
Con hãy ngủ như vẫn còn đất nước
Như ngàn đời mẹ vẫn hát à ơi
(Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò Tết)
Trần Mạnh Hảo vốn là người lính trên chiến hào. Ông đã có một thời mộng mơ “Đầu súng trăng treo”, (thơ Chính Hữu), thương thầm nhớ trộm. Đó là thời “Vóc dáng nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”, (thơ Chế Lan Viên). “Anh bế nhánh mai vàng như bế súng / Lá chiến hào mắt biếc liếc dung nhan / Em đã đến làm chiến tranh ấp úng”, (Gió Tết giữa rừng xưa).
Trần Mạnh Hảo xuất hiện ở thời kỳ hoài bão của thanh niên, trong đó có thanh niên trí thức, văn nghệ sỹ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, sẵn sàng xông vào nơi khó khăn, gian khổ để rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước với ý thức: “Tuổi hai mươi, làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi, thì còn chi, Tổ quốc”, (Thanh Thảo). Rất nhiều tài năng văn thơ được phát hiện, phát triển thời kỳ này, trong đó có Trần Mạnh Hảo…
Chiến tranh là tội ác, chiến tranh không bao giờ là trò đùa. Người con gái vì ái quốc, phải cầm súng, nhưng họ là hiện thân của cái đẹp, của hòa bình. Câu thơ “Em đã đến làm chiến tranh ấp úng”, có sức mạnh của cái đẹp, sức mạnh tố cáo. Cuộc chiến nào cũng có hy sinh: “Anh trở lại rừng tìm em mười chin tuổi / Mối tình xưa còn nguyên vẹn khát thèm”, người nữ đồng đội đã ngả xuống trên chiến trường, để lại vẻ đẹp khắc khoải.
....
Gió hứng khởi như em vừa mời kẹo
Đêm mơn man cửa sổ ghẹo tơ mành
Em xa mờ như một vệt mưa xanh
Trong ảo giác chợt nở cành thơm rét
(Thơ viết đêm Giao thừa năm Mậu Tuất)
Trần Mạnh Hảo là người giàu năng lượng cảm xúc. Chắc ông rất xúc động trong trạng thái: “Anh xin xốc vòm trời lên để cõng / Để cô đơn được đón long hồn xưa / Chúng ta đi cho kịp phút giao thừa / Ngôi sao nhỏ cũng đã thừa nước mắt”.
Trần Mạnh Hảo quê gốc Nam Định, Tết về nhớ cố quận, cố hương, cố thổ là lẽ người. Ngoài quê hương, từ con tôm, con rạm ở sông Ninh Cơ....trong Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, có đến 15 bài ông viết về Hà Nội. Tết Hà Nội, khó thiếu vắng trong thơ ông. Hay nói cách khác, Hà Nội trở thành hình tượng thơ, đối tượng thơ, không gian thơ của ông.
...
Ôi trời cũ có còn xanh màu lá
Hãy gói lòng bằng chiếc lạt mưa phùn
Mây mở hết áo bông trời bớt lạnh
Thanh củi đón giao thừa cũng làm củi run run
(Nhớ Tết Hà Nội)
Thi sỹ giàu hơn ai hết ở sự cô đơn. Mùa xuân, tất cả đất trời phồn sinh, nhú lộc...thế nhưng đấy cũng là thời khắc tâm hồn thi sỹ mong manh, yếu đuối trong sự cô đơn. Phải chăng, vì thế mà không có nhà thơ nào thiếu thơ về mùa xuân. Hay nói cách khác, mùa xuân làm cho cảm xúc thơ của thi sỹ cựa quậy, bung biêng. “Phía xưa xa theo sóng kiếm chân trời / Anh bỏ lỡ gót son thời thơm nắng / Mắt nai hỡi mưa phùn che áo trắng / Xin ôm choàng xa vắng khít khao nay”, (Riêng xuân).
...
Tất cả về như tất cả đi qua
Em sóng sánh một vầng mây thiếu phụ
Mùa ong bướm thương nhành xuân giấu nụ
Chửa gặp tình khi nắng hãm hồn hoa
(Riêng Xuân)
Bài thơ có “về”, có “đi”, đấy là quy luật của hiện hữu và vô thường. Thơ Trần Mạnh Hảo về Tết, mùa Xuân có những lớp vẻ đẹp của triết lý nhà Phật, dành cho những độc giả không chỉ đọc thơ mà còn tìm sự giác ngộ từ thơ.
Cũng xin nói thêm, Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, là hiện tượng đặc biệt. Hai năm qua, đó vẫn là tập thơ duy nhất hút bạn đọc yêu thơ. Ông phải tái tản đến mấy lần, số lượng bản in gần 4.000 cuốn. Nói như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Hiện tượng Trần Mạnh Hảo xuất bản tuyển tập và rất hot, chứng tỏ công chúng không quay lưng với thơ”. “Thơ hay phải thơ nói tiếng thân phận”, ông nhận định từ Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Mỗi đời bắt đầu từ tuổi trẻ”. Mùa xuân quy luật của thiên can, ngũ hành, quy luật khởi đầu phồn sinh vạn vật. Thơ xuân Trần Mạnh Hảo vì thế có âm hưởng đất trời, ẩn chứa tình yêu và hy vọng của con người.
Mùa xuân đến với tất cả sự nồng ấm, tốt tươi cho con người năng lượng từ cảm xúc đến trí tuệ. Thơ xuân Trần Mạnh Hảo là nơi có xưa, có nay, có dự báo ngày mai, giao hòa khiết trinh giữa con người và vạn vật trong tinh khôi./.