Truyện ngắn: Yêu nhau trong nắng xuân
Văn hóa - Ngày đăng : 19:02, 09/02/2024
Tôi nói với Sâm rằng, có nơi nào trên trái đất này đẹp bằng quê hương của mình. Cứ mỗi lần hai tiếng “Việt Nam” vang lên bên tai tôi hay thốt ra từ miệng tôi, là trái tim tôi lại dâng trào những cảm xúc rất đỗi tự hào, kiêu hãnh. Sâm nắm tay tôi đi trong ánh nắng của một buổi chiều giáp Tết, tôi thấy lòng mình bồi hồi. Hít một hơi thật sâu không khí của mùa xuân, tôi thấy trong đó hương thơm nồng của nắng, của gió, của hoa mai vàng bung nở, của nhựa sống căng tràn trong những loài cây cối quanh mình. Bao giờ cũng vậy, tôi cũng thích những ngày giáp Tết hơn là khi Tết đến thực sự. Cái cảm giác nôn nao, mong chờ, dạo phố hoặc trang trí cửa nhà... khiến tôi như sống lại ở cái thuở thiếu thời mỗi lần Tết đến lại ngồi vẽ tranh cho bà tôi treo lên vách nhà, hay đạp xe lọc cọc ra chợ huyện mua giấy in hoa về dán bàn thờ cho thêm phần trang trọng.
Giờ thì tôi đi cùng Sâm trong không khí rộn ràng của những ngày sắp Tết. Khuôn mặt ai nấy cũng rạng ngời. Tôi cũng vậy. Tôi chỉ muốn được sống mãi trong không khí hân hoan mà yên bình thế này mãi thôi!
Sâm đưa tôi đi dạo chợ hoa. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ lung linh sắc xanh, đỏ, tím, vàng... Mai vàng bung nở. Đào phai vận chuyển từ ngoài Bắc vào đã phơn phớt cánh hồng. Hoa dơn đỏ. Violet màu tím. Vạn thọ, cúc vàng... thì nhiều vô kể. Hôm nay, tôi mặc áo dài. Tôi luôn thích mặc trên mình những bộ áo dài thướt tha, duyên dáng. Bà tôi nói người con gái Việt Nam đẹp nhất là khi ướm lên người tà áo dài dân tộc. Tôi yêu áo dài, yêu Tổ quốc mến thương, trân trọng từng nét đẹp văn hóa dân tộc. Bởi vậy, khi tôi bay sang trời Tây thực hiện những giấc mộng dài mà thuở còn con nít cun cút níu áo bà tôi ra chợ bán từng bó rau con cá tôi không dám mơ mộng đến, tôi luôn tìm cách để quảng bá văn hóa đất nước mình với bạn bè quốc tế. Có lần Sâm đứng từ xa chỉ để ngắm nhìn tôi thuyết minh bằng tiếng Anh về tà áo dài và ngày Tết cổ truyền Việt Nam cho một nhóm sinh viên người Mỹ, anh cười rúc rích. “Trông em cứ như đại sứ văn hóa vậy!” - Sâm trêu. Tôi cười. Cũng chẳng biết tự bao giờ mà tôi tự tin như thế.
Từ một cô bé quê mùa từng chiều ra bờ sông vớt lục bình phơi khô rồi đan lại thành giỏ hay những thứ đồ thủ công mỹ nghệ khác gửi bà ra chợ bán, tôi trở thành sinh viên, may mắn “săn” được học bổng, tôi rời quê hương sang phương trời xa xôi khác du học. Bà tôi mỏi mắt đợi trông. Tôi dần xa hơi ấm của bà tôi, xa mùi dầu nước xanh quen thương, xa bóng dáng thập thững gánh gánh gồng gồng những buổi chợ đông chợ vắng. Những lần gọi điện về Việt Nam gặp bà, tôi đều nghẹn ngào. Cố giữ bình tĩnh để bà tôi yên lòng. Tôi biết bà nhớ tôi nhiều lắm. Thương bà tôi những chiều ba mươi Tết ngồi một mình trong gian nhà cất theo dạng truyền thống mà nhớ chuyện hồi tôi còn ở nhà líu ríu bên bà như chú chim sâu. Tôi nói với bà, học xong tôi về Việt Nam với bà, tôi không định cư hẳn bên này dù được bảo lãnh và có điều kiện để phát triển bản thân. Bà tôi cười mà khoé mắt rưng rưng: “Ở đâu cũng được, miễn con thấy hạnh phúc”.
Chỉ có ở nơi quê cha đất tổ tôi mới thật sự hạnh phúc.
Tôi bàn với Sâm kế hoạch về Việt Nam sau khi khoá học kết thúc. Sâm gật đầu ngay, cái gật đầu đó khiến tôi bất ngờ vì tôi không nghĩ rằng một người hiện đại, dễ hòa nhập như Sâm, lại đang làm việc trong một tập đoàn danh tiếng bên này, thu nhập của Sâm là ước mơ của bao người... lại đồng ý về Việt Nam sống trọn phần đời dài còn lại. Sâm ôm tôi trong giá lạnh của trời Tây, nói khẽ: “Có gì lạ đâu em? Việt Nam trong tim mình!”. Tôi bật khóc khi nghe Sâm nói như thế, chẳng hiểu vì sao.
Chúng tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào những ngày cuối năm miền Nam mát mẻ và thi thoảng có ngọn gió se se lành lạnh lướt ngang qua. Chúng tôi nắm chặt tay nhau đi trên mảnh đất quê hương mình. Việc đầu tiên sau khi trở về đất Mẹ là ra mộ ngoại thắp hương. Ngoại không đợi được đến ngày tôi trở lại. Mộ ngoại ở một vùng ngoại ô xa xôi, đi xa vài giờ mới đến. Đó là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, sống những tháng ngày yên bình và trong trẻo nhất trong cuộc đời. Bên bà, tôi được bà yêu thương, chăm bẵm, dạy dỗ. Ngoại dạy tôi lớn lên phải yêu lấy mảnh đất quê mình, yêu con sông nhỏ trước nhà đổ ra dòng sông Cái, yêu cánh đồng vàng, yêu dãy đất hình chữ S mà chúng tôi gọi bằng danh từ rất đỗi thiêng liêng: Tổ quốc Việt Nam!
- Ngoại ơi! Con về với ngoại rồi đây! Con về luôn, không đi đâu nữa. Ở quê mình là hạnh phúc nhất...
Úp mặt lên mộ ngoại, tôi thút thít. Sâm vỗ vai tôi.
- Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật mà ai cũng phải trải qua thôi em! Chúng mình cũng vậy. Em khóc, ngoại không yên lòng.
Sâm lau nước mắt cho tôi. Chúng tôi ngồi tựa lưng vào mộ ngoại nhìn ra cánh đồng cỏ lau trắng xóa chạy dài tít tắp.
Mùa xuân phương Nam rộn ràng, đường phố quang đãng và nhộn nhịp. Những chàng trai, cô gái rôm rả ra phố chụp ảnh Tết, tay cầm hoa dơn đỏ rực, khoác lên mình những bộ áo quần trang nhã. Chúng tôi rời chợ hoa Hồ Thị Kỷ đi dạo quanh một vòng khu Nhà thờ, nghe tiếng chuông chiều ngân vang trong thinh không rồi cùng chắp tay nguyện cầu những điều tốt lành trong cuộc đời. Chúng tôi đi ra bờ sông, ngắm nhìn thành phố bên kia sông đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển rực rỡ. Sâm thỏ thẻ bên tai tôi:
- Chẳng cần đi đâu xa, Việt Nam mình đẹp quá, em ạ!
Tôi gật đầu. Việt Nam - một dải gấm vóc đẹp bất biến theo thời gian. Từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng như tranh vẽ.
Phương Nam nắng ấm. Trời xuân êm đềm. Tôi thấy lòng mình đang trỗi dậy một niềm hy vọng mới. Tà áo của tôi bay bay trong gió nhắc nhớ tôi lần nữa, rằng tôi là người con gái Việt Nam duyên dáng, yêu kiều và mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Có một lúc tôi nghĩ phương Tây là “đất hứa”, nơi tôi sẽ gắn bó lâu dài. Nhưng khi sống ở nơi đó, mang trong tim cảm giác thiếu vắng quê hương, tôi mới thấy lòng mình xót xa vô vàn. Tôi nhớ mình đã bật khóc giữa đường xá đông người trong một buổi sáng lạnh tê tái mà lẽ ra, nếu sống ở Việt Nam, tôi đang đi chúc Tết họ hàng, thắp hương lên bàn thờ gia tiên, ăn bánh tét nhân thịt mỡ đậu xanh bà tôi gói từ chiều ba mươi Tết. Nước mắt tôi chảy dài khi không được sống trong không khí của ngày Tết truyền thống, ngày Tết dân tộc, trong ánh mai vàng, trong sắc đỏ của bao lì xì trẻ con xun xoe khoe nhau ngoài đầu ngõ.
Chúng tôi họp mặt lại, gói bánh tét, làm dưa củ kiệu, dưa cải, thịt kho trứng... nhưng không thể nào đưa được cái nắng ấm mùa xuân Việt Nam sang đất này để thỏa lòng mong nhớ.
Những xa xôi, cách trở, thiếu thốn, xót xa... khiến tôi quyết định trở về Việt Nam. Có câu hát bà tôi từng hát cho tôi nghe thuở ấu thời, sau này tôi mới biết nó được phổ từ thơ của Đỗ Trung Quân:
“Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ... Sẽ không lớn nổi thành người”
“Sẽ không lớn nổi thành người...” - Câu thơ cuối cứ day dứt mãi trong tâm trí của tôi, khiến tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Tôi hiểu rằng, dù mình được đáp ứng những nhu cầu về vật chất, có điều kiện thăng tiến ở trời Tây, nhưng khi xa quê hương thì mọi thứ cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi.
Không nghĩ ngợi nữa. Dẫu sao giờ đây tôi cũng đã được đứng trên mảnh đất quê hương mình. Đã là Việt Nam thì dù Bắc, Trung hay Nam thì đâu đâu cũng là quê mình. Tôi ngâm nga một khúc ca trữ tình thiết tha về Tổ quốc mến yêu. Sâm im lặng. Nắng chiều xập xòa trên mái tóc buông dài của tôi.
Và trong không khí dìu dặt của mùa xuân đang bước đến, Sâm nói lời yêu tôi lần nữa, dù anh đã nói câu ấy biết bao nhiêu lần, và tôi nghe mãi vẫn không thấy chán. Tôi ngã đầu vào vai Sâm. Tôi đồng ý lấy anh sau mùa xuân này với một điều kiện: chúng tôi sẽ tổ chức lễ cưới theo kiểu truyền thống, không sang trọng phô trương, chẳng rầm rộ như bao người trẻ khác. Tất nhiên là Sâm đồng ý. Chúng tôi đã yêu nhau qua bao mùa xuân đẹp, giờ đây đã thấy tình yêu ấy đủ chín muồi để đi đến một quyết định quan trọng nhất cuộc đời...
Đêm mùa xuân dần buông. Đêm cuối năm. Đêm tình tự, lãng mạn.
Những con đường rộn rã người xe. Ánh đèn lung linh. Nhạc xuân rộn rã. Nhưng chúng tôi thấy mình đang ở trong một khoảng lặng yên bình, an nhiên nhất - một khoảng lặng trong tim. Đi trên con đường hoa, chúng tôi nói với nhau biết bao câu chuyện vui, vẽ ra những kế hoạch mới cho tương lai của hai đứa. Không bao lâu nữa thì khoảnh khắc giao thừa sẽ đến. Sau bao năm xa cách, chúng tôi đã đón giao thừa trên mảnh đất Tổ quốc mình. Dù những người mà tôi yêu thương như bà tôi, như những người xưa tôi quen biết... đã không còn, và tôi cũng không còn là cô bé ngày nào nghe tiếng pháo hoa nổ đùng đùng trên chợ huyện lại nhấp nhỏm bắc thang trèo lên nóc nhà để xem vệt pháo tung trời xa xôi... nhưng tôi còn có Sâm, còn Việt Nam. Và Tết này vẫn là Tết xưa, mãi mãi vẫn vậy, không thể nào thay đổi được. Tôi tin những giá trị truyền thống của đất nước mình sẽ còn mãi, dù thời gian có đổi thay.
Niềm hạnh phúc ngập tràn trong ngày cuối cùng của năm cũ.
Chúng tôi xiết chặt tay nhau chờ đồng hồ điểm thời khắc giao thừa để nói cho nhau câu “Chúc mừng năm mới”. Cầu mong một năm may mắn, an lành...