Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:44, 23/02/2024

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đối với Logistics, yêu cầu phát triển logistics xanh cũng là tiêu chí quan trọng trong đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Nhận diện về mối lo toàn cầu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Vì sao? Bởi đó là sự thay đổi của hệ thống khí hậu từ sinh quyển, khí quyển, thủy quyển tới thạch quyển trong hiện tại và tương lai... đe dọa cuộc sống nhân loại.

Trái đất đã và đang tiếp tục ấm lên với mức đáng báo động, con người đang đối mặt với nhiều hiểm họa như như ô nhiễm không khí, lốc xoáy, lũ lụt, các đợt không khí nóng và tình trạng khan hiếm nước. Việt Nam không là ngoại lệ. Thậm chí, Việt Nam là đất nước được đánh giá “dễ bị tổn thương” trước tác động của BĐKH.

living-with-tree-drought-crack-ground-drought.jpg

Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên xuất hiện thời tiết cực đoan như bão, hạn hán, giông, lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… tàn phá nghiêm trọng tài sản, tính mạng người dân; đồng thời, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, gia tăng chi phí sản xuất, kéo theo hệ lụy nghèo đói gia tăng.

BĐKH tác động trực tiếp đến sản xuất, chất lượng sống đô thị hóa, và môi trường sông, biển... đa dạng sinh học của Việt Nam. Về nông nghiệp, BĐKH gây ra sự khó khăn trong việc quản lý nguồn nước cho cây trồng, yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới, cung cấp hơn một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam; thế nhưng, khu vực này đang phải đối mặt với mối đe dọa, phát sinh từ BĐKH chung đang diễn ra và từ các hoạt động của con người, ngay cả từ thượng nguồn.

Do BĐKH, hiện tượng lũ ống, lũ quét gia tăng; mực nước biển dâng cao có thể gây ra nguy cơ ngập úng và sạt lở, sụt lún đất đai ở nhiều nơi. Việc khai thác quá mức nước ngầm, cát, sỏi đang gây ra hiện tượng sụt lún, tức là sự hạ thấp dần bề mặt đất do trầm tích bị nén chặt. Hiện tượng này đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, nhưng nghiêm trọng là ĐBSCL.

Dữ liệu nhiệt độ gần đây cho thấy, khí hậu nước ta có xu hướng nóng lên. Trong cùng thời gian, lượng mưa hàng năm tăng nhẹ trung bình 5,5%, nhưng có xu hướng trái ngược nhau tùy theo khu vực. Ngoài ra, mực nước biển cũng dâng cao trung bình 3,6 mm/năm trong giai đoạn 1993–2018.

Chính vì BĐKH đã và đang trở thành mối lo của toàn cầu, nên tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), gần 150 quốc gia đã cam kết sẽ không còn phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải metan, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng.

Ưu tiên các quyết sách

Việt Nam từ lâu đã tích cực chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Chủ động thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 5/12/2011. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó khẳng định: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...”.
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2023, tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, giữa tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh BĐKH là vấn đề cấp bách toàn cầu, đòi hỏi quyết tâm, trách nhiệm chính trị cũng như sự đoàn kết của tất cả các nền kinh tế.

tree-two-hands-with-very-different-environments-earth-day-world-environment-day-global-warming-pollution.jpg

BĐKH không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào, bởi “Trái đất chỉ một”, do vậy cần cơ chế hợp tác quốc tế về năng lượng tái tạo và xanh hóa các ngành công nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, trong đó có logistics xanh và phục hồi tài nguyên, giảm thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng...

Thành quả khoa học - công nghệ phải được chia sẻ, các nước giàu đóng góp tài chính, đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển ứng phó với BĐKH. Hệ thống tài chính toàn cầu cần nâng cao khả năng cung cấp tài chính xanh và huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Thế giới đã có nhiều cam kết, nhưng đây là thời điểm tất cả các nền kinh tế cần hiện thực hóa các cam kết lịch sử đã đưa ra để bảo vệ trái đất và tương lai của các thế hệ mai sau.

Việt Nam là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế đến triển khai trong thực tế.

collage-natural-textures-realism-colorful-world-illustration-ai.jpg

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội XIII của Đảng đề ra, các Nghị quyết, chương trình hành động. Tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực tài chính, nhất là tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng... hiệu quả.

Sự phát triển của các hoạt động logistics gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, một nguyên nhân của BĐKH. Tại Việt Nam, vận tải đường bộ chiếm hơn 95% tổng lượng khí thải ra môi trường từ hoạt động vận chuyển hàng hóa. Ngược lại, BĐKH đe doạ nghiêm trọng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Do vậy, thực hiện các hoạt động logistics xanh đang là xu hướng tất yếu và cấp bách.

VÕ PHƯƠNG THÚY