Hành hương trên đất Phật: Đi, thấy &... cảm nhận
Văn hóa - Ngày đăng : 16:15, 25/02/2024
Ấn Độ từ lâu được biết đến là cội nguồn của đạo Phật. Nơi những di sản, thánh tích về cuộc đời Đức Phật được lưu giữ nhiều nhất. Từ một điểm nhìn khác, nơi đây cũng chính là khởi nguồn của du lịch hành hương mà cụm từ “Tứ động tâm” - một tên gọi chung gắn với bốn địa danh ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật. Những địa điểm này ngày nay đã trở nên nổi tiếng, thân quen đối với hàng triệu triệu du khách thập phương đến hành hương nơi này.
Khu vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Đức Phật đản sanh – một danh từ mang ý nghĩa về sự ra đời của Đức Phật trong sứ mệnh mang đến niềm hân hoan cho muôn loài mà ở đó con người là chủ thể trong tinh thần đắp vun sự xán lạn, tốt lành".
Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Bồ đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) - một thị trấn nhỏ nằm ở phía Đông Nam bang Bihar nơi Đức Phật thành đạo. Nơi đây đã đón hàng triệu tín đồ đến Bồ đề Đạo Tràng hành hương. Nơi đây có Cội Bồ Đề (Bodhi tree) cùng những thánh tích ấn tượng như: Tháp Đại Giác (Great Stupa), có Tóa Kim Cương (Vajirasana) nằm dưới gốc cây Bồ Đề, và cũng là nơi Thái tử đã ngồi tham thiền nhập định, có Tượng Mahabodhi - tương truyền bức tượng này giống hệt hình dáng của Đức Phật. Bức tượng này được đặt trong chùa Đại Giác Ngộ (chùa Mahabodhi). Được chiêm ngưỡng Hồ Sen (Lotus Pond) cùng những nơi Đức Phật ngồi thiền sau khi thành đạo.
Bồ đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) nơi Đức Phật thành đạo – nơi được nhận thức như sự dấn thân đã được “chứng ngộ”, niềm tin, tình yêu thương trong cõi đời bước ra khỏi tăm tối, sanh linh được giải thoát.
Bồ Đề Đạo Tràng, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là một tòa tháp cổ kính, uy nghiêm, hùng vĩ giữa một vùng đất có mặt bằng thấp và những bậc cấp dẫn vào tháp theo chiều đi xuống trong từng bước chân nhẹ nhàng, an nhiên hòa lẫn trong âm thanh bởi lời kinh Pàli cùng nhạc đệm nghe mênh mang đến khó tả trong không gian có diện tích gần 5 ha ấy. Mỗi người đến đây có thể có những cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung sự cảm nhận về một bầu không khí thiêng liêng, mầu nhiệm lan toả khắp không gian này có thật.
Nơi lưu trú của đoàn chúng tôi được bố trí gần Bồ Đề Đạo Tràng, ngày nào cũng có vài lần chúng tôi ra vào nơi đây. Ngoài những lúc đồng hành cùng anh chị em trong nhóm đi lễ Phật, dâng hương, dâng hoa, dâng y, hay đèn Mandala cầu nguyện trí tuệ, bình an và phúc khí, hay viếng cảnh xung quanh, chụp hình lưu niệm…, tôi còn dành nhiều thời gian ra ngồi ở mặt sau tháp, hướng Tây là Cội Bồ Đề. Ngay dưới tán lá xum xuê xanh tốt che mát cả một khoảng sân rộng là các tăng, ni, phật tử đang ngồi thiền, cầu nguyện và tưởng niệm Đức Phật. Thật huyền diệu và đậm chất tín ngưỡng quanh Cội Bồ Đề thiêng liêng.
Tôi lắng nghe, quan sát và rất ngạc nhiên bởi âm vang trong lối “hát kinh” Tây Tạng. Thật lạ, lối hát chỉ có cộng minh ngực hay nói chính xác hơn là chỉ có khí quản và cuống phổi cộng minh thôi và dùng hơi thở bụng hoàn toàn. Đặc biệt, khẩu hình hầu như không chuyển động, không mở nhưng âm vang thì được khuếch đại đến mức không tưởng, rất dày, rất khoẻ, vang vọng, rõ ràng, như thể nguồn âm đó được vang ra từ trong ổ bụng vậy. Quả là lạ và thú vị. Hy vọng lần sau nếu trở lại, tôi sẽ tìm hiểu và tiếp cận sâu hơn vấn đề này.
Một chị bạn trong nhóm đã tâm sự: “Năm nào chị cũng hành hương về nơi này và lần nào đến đây chị cũng tràn đầy những nguồn cảm xúc, cảm nhận sự bình an, thành kính và biết ơn. Dường như có một sức mạnh tâm linh, nguồn năng lượng vô hình tại nơi giác ngộ của Đức Phật đã tác động vào thân, tâm và trong từng bước chân của chị…”. Riêng nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi, lần đầu đến viếng thăm nơi này cảm thấy thật đặc biệt. Được trải nghiệm, cảm nhận sự rung động hay những biến động trong thân tâm mỗi người qua câu chuyện sáng tác và biểu diễn âm nhạc Phật giáo như lời của thầy Huyền Diệu bày tỏ và mong muốn - đó là hạnh phúc.
Chúng tôi đến thăm thầy Thích Huyền Diệu tại Việt Nam Phật Quốc tự (Vietnam Bouddha Bhumi Vihara). Ngôi chùa của người Việt Nam lần đầu tiên có mặt trên đất nước Ấn Độ do thầy xây dựng từ năm 1987, gần 4 thập kỷ trước. Ngôi chùa có lối kiến trúc chùa Việt Nam bởi Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Tại đây, chúng tôi đã đi lễ Phật, vãng cảnh chùa, thanh tịnh cùng những bữa cơm chay rất ngon, ấm áp và đầy tình thân.
Đoàn chúng tôi vinh dự đã có một buổi trà đạo cùng thầy Huyền Diệu, lắng nghe thầy chia sẻ nhiều điều quý giá về đạo, về đời. Thầy tặng cho chúng tôi những cuốn sách rất giá trị và mỗi người được nhận một đồng xu may mắn do thầy mang từ Nepal về.
Một buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn” để đáp lễ thầy cùng đông đảo quý Phật tử tuy ngắn ngủi nhưng thật ấm nồng. Tôi nhớ buổi tối hôm đó, chúng tôi được thầy mời lên sân thượng thưởng thức món trà, bánh, mứt và thưởng lãm một màn bắn pháo hoa thật đẹp đón mừng năm mới.
Ngày tiếp theo, chúng tôi được đồng hành cùng thầy và nhiều tăng, ni, phật tử vượt qua “con đường đau khổ” dài khoảng 280 km đến với thành phố Varanasi - cái nôi của Phật giáo và Hindu giáo, nơi có con sông Hằng huyền bí đang chờ đón. Chúng tôi có một đêm nghỉ lại tại thành phố Varanasi. 5 giờ 30 sáng hôm sau, đoàn chúng tôi lại tập trung đông đủ, lên thuyền đi thăm sông Hằng trong khí trời rất lạnh. Ẩn hiện trong màn sương dày đặc là những dãy phố cổ cao thấp nối nhau bên bờ sông như những bức tường thành rêu phong phủ kín trong tiếng tụng kinh văng vẳng, tất cả tạo nên một bức tranh thêm huyền bí cho nơi này. Thầy Huyền Diệu đã hướng dẫn và kể cho chúng tôi rất nhiều điều thiêng liêng của con sông Hằng với những sự kiện đã xảy ra hai bên tả và hữu ngạn của nó. Đó là phong tục, tín ngưỡng, nét văn hóa riêng được gìn giữ trong suốt hơn 4000 năm qua… Chúng tôi thành tâm, lắng lòng và cầu nguyện.
Khi mặt trời lên, thành phố bên sông hiện ra tươi sáng hơn, rõ nét và vững chãi, với nhiều sắc độ tương phản. Thành phố này, từ ngàn xưa đã nuôi dưỡng nên các học giả, viện sĩ, nhà triết học, nhà thơ và những nhạc sĩ nổi tiếng có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển và phồn thịnh của đất nước Ấn Độ. Và con Sông Hằng luôn mang một ý nghĩa quan trọng bởi nó là trung tâm trong mọi hoạt động tôn giáo, văn hóa và lịch sử của Ấn Độ.
Ở điểm tiếp theo, thầy trò chúng tôi đến Vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em nhà Kiều Trần Như. Vẫn còn đó các di tích của tháp Dharmarajika, tháp Dhamekh, trụ đá vua A Dục, hay cây bồ đề được chiếc nhánh từ Cội Bồ Đề. Nơi đây, chúng tôi đã ngồi quây quần bên sư ông Huyền Diệu để được nghe thầy kể tích 60 vị tăng gia du hành khắp nơi để giảng Phật pháp và sau đó đã đắc quả A la hán.
Vườn Lộc Uyển (Sarnath) – một khu vườn đẹp, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho những người bạn “đồng tu khổ hạnh” với mình mà trong đó là năm anh em Kiều Trần Như. Theo dòng lịch sử, khu vườn yên tĩnh này đã trở thành nơi cư trú lý tưởng của các vị ẩn sĩ tiến tu đạo nghiệp.
Và, cũng chính nơi này, trên vườn cỏ bên cạnh tháp Dhamekh, thầy đã làm lễ Quy Y Tam Bảo cho vài anh chị em trong nhóm văn nghệ sĩ.
Câu Thi Na (Kusinara) nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Sứ vụ độ thế của Người đã hoàn thành. Có thể nói sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn dù để lại những dư ba (động tâm) trong bao tiếc nuối, nhớ thương của con người cõi trần – nhưng, nếu nhìn theo phép biện chứng thì chính sự kiện ấy, thông qua hành trình sống của Người đã cảm biến và tiếp biến thành những điểm sáng, vầng sáng lung linh kết tinh trong tâm thức của bao người, bao thế hệ cứ thế tiếp nối cho đến hôm nay.
Sau bữa chay trưa, chúng tôi cùng quý tăng, ni và phật tử chia tay thầy để về lại Bồ Đề Đạo Tràng, thầy lên đường ra sân bay, bay qua nước Đức, nơi có Học viện Phật giáo với những công việc quan trọng cùng rất nhiều tăng, ni, phật tử đang mong chờ thầy. Với nụ cười nhân hậu, phong thái thong dong tự tại trong từng bước đi, trong bộ áo nâu sồng đã sờn cũ. Hình ảnh và những tâm niệm của thầy đã nhiều ít khắc ghi trong mỗi chúng tôi.
Hành hương trên đất Phật. Chúng tôi đi để thấy và cảm nhận những di tích và hiện vật tôn giáo hay đi vì tôn giáo, tâm linh cũng đều giúp anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi tìm ra được những chất liệu, giá trị nhất định trên con đường sáng tác và biểu diễn âm nhạc Phật giáo mà theo tinh thần của Sư ông Huyền Diệu đã chia sẻ và đặt tên cho nhóm nhạc “Hòa bình An vui”.
Cảm ơn sự đồng hành của chị Thùy Hương, người đã gieo duyên lành và đưa chúng tôi đến với miền đất Phật. Cảm ơn sự nhiệt thành của Sư cô Bửu Liễu, người đã chuẩn bị cho chúng tôi những bữa cơm chay Việt rất đặc biệt và thật khó quên...
Cảm ơn tất cả mọi người về chuyến đi, và qua đó đã giúp tôi sáng tỏ và... ngộ ra nhiều điều (...). Chúc cho các anh chị nhạc sĩ tiếp nhận được nguồn năng lượng dồi dào từ đất Phật thiêng liêng để tiếp tục cuộc hành trình với những dự định tốt đẹp tiếp theo của mình.