Phân khúc bất động sản nào sẽ dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới?
Bất động sản - Ngày đăng : 13:26, 29/02/2024
Với mong muốn chia sẻ thêm góc nhìn về thị trường đến các doanh chủ, Vietnam Logistics Review đã có cuộc trao đổi cùng ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group.
Sàn giao dịch cần thay đổi như thế nào cho phù hợp với thời kỳ mới? Cơ cấu sản phẩm bất động sản kinh doanh có gì mới so với trước đây?
Một trong những điểm nổi bật của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 được thông qua là yêu cầu nhà môi giới phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản hay nói cách khác là các sàn giao dịch, sàn môi giới.
Theo tôi đây là một quy định đúng đắn với lợi ích kép vừa giúp thúc đẩy xu hướng chuyên môn hóa vừa đề cao tính chuyên nghiệp của nhà môi giới bất động sản. Song, dưới góc độ của sàn giao dịch quy định này cũng cần thiết có những thay đổi nhằm thích ứng tốt với điều kiện thị trường hiện nay như:
- Tái cơ cấu bộ máy tổ chức, mô hình vận hành theo hướng tối ưu hóa chi phí.
- Ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác bán hàng, quản lý nhân sự, hệ thống.
- Ưu tiên danh mục sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực với mức giá phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân.
- Hạn chế dàn trải, tập trung nguồn lực vào một số dự án chủ lực.
Phân khúc bất động sản nào sẽ dẵn dắt thị trường trong giai đoạn tới?
Theo tôi phân khúc bất động sản nhà ở thuộc các khu đô thị, thành phố lớn với mật độ dân cư cao sẽ có những lợi thế nhất định so với những phân khúc còn lại. Đây là phân khúc nhận được rất nhiều sự quan tâm nhưng nguồn cung đưa ra thị trường thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt.
Trong đó nổi bật là những phân khúc có nhu cầu ở thực, tính thanh khoản cao, mang lại dòng tiền ổn định (nhà ở xã hội, căn hộ hạng C, hạng B, đất nền tại các vị trí gần các trung tâm kinh tế lớn đầy đủ tiện ích, có thể xây nhà ở hoặc kinh doanh được ngay,...) tất nhiên tất cả phải có giá bán hợp lý, đã chiết khấu về giá trị thực.
Mặc dù vậy, cơ hội của thị trường không hoàn toàn bị bó buộc mà vẫn luôn rộng mở cho tất cả các phân khúc và khu vực khác nhau nếu có được một sự chuẩn bị tốt, nền tảng vững chắc cho một chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông để tập trung phát triển lĩnh vực logistics, ông đánh giá về tiềm năng bất động sản logistics tại Việt Nam?
Thời gian qua, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được sự quan tâm đúng mức của Chính phủ trong việc thúc đẩy hạ tầng giao thông, phục vụ sự phát triển của lĩnh vực logistics. Điều này đã và đang có những đóng góp đáng kể trong việc củng cố tiềm năng của phân khúc bất động sản logistics nước ta. Bên cạnh đó, một số “bệ đỡ” khác có thể kể đến như:
- Làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong đó Việt Nam là một trong những ứng viên sáng giá, sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định.
- Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cũng có những dấu hiệu khả quan, FDI cả nước năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
- Hệ thống hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư bài bản thể hiện qua số liệu đầu tư công năm 2023 ở mức gần 676 nghìn tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch đề ra và cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Qua đó có thể thấy được mảng bất động sản logistics của Việt Nam đã và đang sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhất định, thu hút tốt sự quan tâm của thị trường và vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai.