Tranh chấp về phí chạy thử tàu biển

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:13, 06/03/2024

Bồi thường bảo hiểm không dựa trên cơ sở của chi phí thực tế mà chỉ là ước tính được thực hiện như thế nào và có phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm tài sản hay không được tóm tắt trong vụ tranh chấp dưới đây.

Tóm tắt sự việc

Ngày 02/3/2012, Nguyên đơn và Bị đơn ký kết Hợp đồng tái bảo hiểm, trong đó Bị đơn là bên tái bảo hiểm (97,71% trách nhiệm) cho Nguyên đơn (2,29% trách nhiệm). Trong hành trình vận chuyển 6.000 tấn phốt phát (diammonium phosphate) từ cảng Philippines về Sài Gòn, tàu H.A. ( “tàu”/“tàu biển”) bị tai nạn hàng hải (tổn thất máy chính) vào ngày 21/9/2012, dẫn đến hỏng trục cơ máy chính và phải thay thế. Do chủ tàu khó khăn về tài chính, không thể sửa chữa nên đã đề nghị Nguyên đơn bồi thường trên cơ sở ước tính (unrepaired damage). Nguyên đơn đã chỉ định công ty giám định để đánh giá chi phí ước tính của tổn thất này. Năm 2012 và 2013, Nguyên đơn đã thanh toán số tiền bồi thường trên cơ sở ước tính là 4.402.463.917 đồng cho chủ tàu và chi phí giám định cho các công ty giám định. Tuy vậy, Bị đơn chưa đồng ý thanh toán chi phí chạy thử tàu và chi phí đăng kiểm. Do không thể thương lượng, hòa giải, đầu năm 2020, Nguyên đơn đã kiện tại trọng tài. Dưới đây là tranh chấp về chi phí chạy thử tàu để bạn đọc tham khảo.

container-cargo-freight-ship-port.jpg

Quan điểm của Nguyên đơn

Nguyên đơn đã bồi thường cho Công ty Vận tải biển 4.402.463.917 đồng và đề nghị Bị đơn chi trả 4.398.360.386 đồng. Tính đến ngày 07/11/2014, Bị đơn đã bồi thường tái bảo hiểm với số tiền là 3.901.896.955 đồng, còn lại 496.463.431 đồng, trong đó có 302.736.560 đồng là chi phí chạy thử tàu nhưng Bị đơn chỉ chấp nhận 122.345.440 đồng nên chưa thanh toán vì cho rằng do cách tính khác nhau. Ngày 20/3/2014, Nguyên đơn đã cung cấp căn cứ pháp lý để tính toán Chi phí chạy thử tàu: Áp dụng văn bản số 1829-QĐ/PC của Bộ Giao thông vận tải ngày 26/10/1966.

Cách tính chi phí chạy thử tàu của Bị đơn là không hợp lý vì Bị đơn chỉ áp dụng cho thời gian tàu vận hành tại trường thử. Tàu chạy thử đường dài sẽ phát sinh chi phí nhiên liệu đưa tàu từ điểm neo đậu ra trường thử và chiều ngược lại.

Ngày 30/12/2014, Nguyên đơn nhận được Công văn của Cục Đăng kiểm Việt Nam phúc đáp về các quy định áp dụng đối với chi phí chạy thử (có khác so với cách tính mà Nguyên đơn đã cung cấp cho Bị đơn), đó là, chi phí chạy thử được áp dụng QCVN:2010/BGTVT - Hướng dẫn kiểm tra hệ thống máy tàu, điện tàu và hệ thống tự động hóa B06; theo đó số tiền chênh lệch là 180.391.120 đồng (Nguyên đơn tính: 302.736.560 đồng, Bị đơn tính: 122.345.440 đồng). Ngày 28/6/2018, Nguyên đơn đã đính chính cơ sở pháp lý để tính toán chi phí chạy thử nhưng Bị đơn vẫn không chấp nhận.

Quan điểm của Bị đơn

Đối với chi phí chạy thử tàu, Bị đơn không tính chi phí di chuyển tàu từ nơi sửa chữa đến nơi thử tàu và ngược lại (chạy thử đường dài) do phải dựa trên chi phí thực tế phát sinh, và cho rằng Nguyên đơn đã sai khi bồi thường cho chủ tàu theo văn bản đã hết hiệu lực thi hành (Quyết định số 1829-QĐ/PC của Bộ Giao thông vận tải ngày 26/10/1966 đã bị văn bản khác thay thế) và/hoặc tài liệu không phù hợp (Quyết định số 11/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 24/01/2003 được áp dụng với phương tiện thủy nội địa, không phải tàu biển). Căn cứ pháp lý Bị đơn tính toán chi phí chạy thử tàu là “Tài liệu quy chuẩn Việt Nam QCVN 21/2010/BGTVT” và “Hướng dẫn kiểm tra hệ thống máy tàu, điện tàu và hệ thống tự động hóa – B06”.

Bị đơn đề xuất mức bồi thường 100% gốc cho chi phí chạy thử tàu là 125.200.000 đồng và cho rằng vụ bồi thường này được giải quyết trên cơ sở ước tính các chi phí có thể phát sinh nếu việc sửa chữa thực tế được thực hiện. Do vậy, đối với các hạng mục bắt buộc phải có cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, thực hiện như các khoản mục này thì căn cứ giải quyết duy nhất là các quy định pháp lý liên quan có hiệu lực thi hành tại thời điểm dự kiến thực hiện (nếu thực tế được thực hiện).

shipping-industry-delivering-cargo-large-container-ship-generative-ai.jpg

Phán quyết Trọng tài

Hội đồng Trọng tài nhận thấy có cơ sở để áp dụng “Tài liệu quy chuẩn Việt Nam QCVN 21/2010/BGTVT”, và Điều 3.8.2 của Hướng dẫn kiểm tra hệ thống máy tàu và hệ thống tự động hóa của Cục Đăng kiểm Việt Nam năm 2011, đó là, “Khi sửa chữa máy phát điện chính, động cơ lai máy phát điện chính, hoặc nồi hơi phụ thì có thể thử các hoạt động máy đó tại bến thay cho chạy thử đường dài”. Trong sự cố, máy chính của tàu phải thay trục cơ máy chính nên không thể áp dụng việc thử tại bến thay vì thử đường dài. Do vậy, Hội đồng Trọng tài chấp nhận các chi phí đưa tàu đến trường thử (nơi chạy thử đường dài) và ngược lại, là phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.

Nguyên đơn và Bị đơn tính chi phí chạy thử đường dài có sự khác biệt về con số là do Bị đơn không chấp nhận chi phí nhiên liệu cho tàu di chuyển từ bến đến trường thử và ngược lại.
Từ những nhận định và cơ sở trên đây, Hội đồng Trọng tài quyết định buộc Bị đơn phải thanh toán chi phí chạy thử tàu là 302.736.560 đồng, tương ứng với phần nhận tái bảo hiểm là 97,71% theo Hợp đồng tái bảo hiểm.

(*) Trọng tài viên VIAC

NGÔ KHẮC LỄ (*)