Long An phấn đấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2024 đạt mục tiêu tăng trưởng là 2,0 - 2,5%

Nông nghiệp - Ngày đăng : 10:26, 13/03/2024

Năm 2024, sản xuất nông nghiệp tỉnh dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực của tỉnh; khả năng thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô năm 2024 là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 (vụ sản xuất chính trong năm); tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ bùng phát; tác động của các rào cản kỹ thuật thương mại trong xuất nhập khẩu, giá một số mặt hàng nông sản có khả năng tiếp tục giảm.

Để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2024 đạt mục tiêu tăng trưởng là 2,0 - 2,5%, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các sở ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp phấn đấu đạt nhiệm vụ tăng trưởng khu vực I.

Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời dịch bệnh, thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhất là theo dõi diễn biến sâu bệnh trên cây trồng chủ lực của tỉnh. Phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động sản xuất và phòng trừ đạt hiệu quả. Tiếp tục khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống lúa tập trung, đồng loạt, không để phát sinh sinh vật gây thiệt hại sản xuất lúa. Phấn đấu sản lượng lúa năm 2024 đạt 2.950.000 tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 75 - 80% tổng sản lượng.

hinh-anh-long-an-12032024.jpg
Phấn đấu sản lượng lúa năm 2024 đạt 2.950.000 tấn

Tập trung triển khai thực hiện tốt giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; phối hợp với địa phương tuyên truyền người dân ở những vùng có khả năng ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Tổ chức đo đạc thường xuyên độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chủ động điều tiết, vận hành công trình đầu mối, ngăn mặn để dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước phục vụ dân sinh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhất là áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, thực hành sản xuất tốt, tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền người dân sử dụng các loại giống cây trồng có chất lượng cao. Xây dựng các mô hình ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật… tuyên truyền cho người dân. Theo dõi tình hình giá cả thị trường, kịp thời khuyến cáo người dân xử lý ra hoa rải vụ đối với cây ăn quả chủ lực.

Phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng trên gia súc, gia cầm và vắc xin bệnh dại; chủ động trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi ở gia súc và các bệnh khác. Triển khai thực hiện các kế hoạch truyền thông, phòng chống dịch bệnh và khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền vận động người chăn nuôi tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và dịch bệnh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch, an toàn vùng dịch và công tác tái đàn vật nuôi của tỉnh. Tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2025 của tỉnh.

Tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh, sử dụng chất cấm trên động vật nhập khẩu và nghi nhập lậu trái phép trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; tuân thủ quy trình kiểm dịch theo quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, nhất là các địa điểm tiếp giáp khu vực biên giới về đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và truy xuất nguồn gốc xuất, nhập động vật; thực hiện theo yêu cầu phối hợp với Chi cục Thú y Vùng 6 (Cục Thú y) trong thực hiện kiểm dịch động vật nhập khẩu trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan khi có yêu cầu trong kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm tiêu thụ tại địa bàn huyện, tỉnh.

Tập trung chỉ đạo khung thời vụ nuôi, phương thức nuôi phù hợp với điều kiện của nuôi từng vùng. Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất thủy sản. Thực hiện tốt kế hoạch quan trắc môi trường nước vùng nuôi thủy sản nước lợ; kịp thời thông tin nhanh kết quả quan trắc, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường nước. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản; triển khai giám sát bệnh thủy sản tại vùng nuôi... Tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp kỹ thuật để người dân nuôi tôm nước lợ đảm bảo an toàn, hạn chế bị dịch bệnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện đúng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa. Phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại năm 2024 đạt ít nhất 90.000 tấn.

Tập trung thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng, nhất là cảnh báo cháy rừng đối với những vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống cháy rừng cụ thể, đảm bảo công tác trực, cảnh báo và xử lý kịp thời tình huống xảy ra cháy rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW; Chương trình số 17-CTr/TU và các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giữ ổn định diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện "Đề án trồng rừng phòng hộ biên giới trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030"; "Đề án trồng cây xanh đô thị và cây phân tán trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030", đảm bảo năm 2024 toàn tỉnh trồng ít nhất 1,473 triệu cây phân tán và trồng ít nhất 500 ha rừng sau khai thác.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua bán các loài động vật hoang dã, quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, Quốc lộ N2 và tại Trạm dừng chân huyện Thạnh Hóa. Kiên quyết xử lý các hành vi mua bán, tàng trữ trái phép các loài động vật rừng, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2024 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực ngành, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền; xây dựng các mô hình điểm, mô hình nhân rộng trên các cây (cây lúa, cây rau, cây thanh long, cây chanh), con (con bò thịt, tôm nước lợ); xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cây thanh long, cây chanh đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu; chuyển đổi giống bò thịt chất lượng cao, hỗ trợ bò cái được gieo tinh nhân tạo với tinh giống bò chất lượng cao; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm gạo, rau, thanh long, chanh và bò thịt….

Tập trung triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022 - 2025; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản vùng Đồng Tháp Mười; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 và năm 2024 trên địa bàn tỉnh Long An; Đề án Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045….

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2024; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm các hàng hóa nông sản của tỉnh; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các Chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phấn đấu năm 2024 toàn tỉnh có thêm ít nhất: 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao và 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu năm 2024 toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Theo đó, các sở, ngành tỉnh có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị quan tâm, hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên, góp phần đạt nhiệm vụ tăng trưởng khu vực I theo chủ trương chung của tỉnh trong năm 2024.

T.H.