Nghệ An cấp mới cho 18 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 11:45, 26/03/2024
Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 3 tháng đầu năm ước tăng 8,07% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước giảm 1,57%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,94%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,79%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,03% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với quý I/2023.
Tính đến ngày 31/01/2024, tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân là 8.586,774 tỷ đồng/KH 8.585,59 tỷ đồng, đạt 95,05% KH giao đầu năm, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt trên 95%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ đạt 84,86% KH giao đầu năm và 78,37% tổng KH giao). Về kế hoạch đầu tư công năm 2024, công tác giao kế hoạch được triển khai kịp thời ngay sau khi có Quyết định giao của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tổng kế hoạch giao năm 2024 là 9.076,67 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý là 4.628,57 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai thực hiện, nhanh hơn nhiều so với năm 2023.
Tính đến ngày 20/3/2024, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 571,517 tỷ đồng, đạt 12,35% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 5,06%); trong đó, một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (55,49%), nguồn thu xổ số kiến thiết (32,75%), nguồn thu sử dụng đất (18,78%). Có 15/67 địa phương, đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trong quý I đạt kết quả khá (trên 30%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2024 ước đạt 10.506,7 tỷ đồng, tăng 27,11% so với cùng kỳ; lũy kế quý I ước đạt 35.508,7 tỷ đồng tăng 29,33% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 2.058 tỷ đồng, tăng 40,86% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 636,2 triệu USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 418,1 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023...
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I/2024 ước thực hiện 5.904 tỷ đồng, đạt 37,1% dự toán, bằng 134,3% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6.576 tỷ đồng, đạt 18,2% dự toán. Các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế diễn ra sôi nổi. Lũy kế trong năm 2024 (tính đến ngày 20/3/2024), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 18 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12.274,2 tỷ đồng. Điều chỉnh 39 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 14 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 2.352,1 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 14.626,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng dự án cấp mới giảm 40% tuy nhiên tổng vốn đầu tư cấp mới tăng 2,48 lần.
Trong quý I (tính đến ngày 20/3/2024), có 602 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập 6.175,7 tỷ đồng, tăng 127,04% so với cùng kỳ năm 2023. Có 291 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 28 doanh nghiệp so với cùng kỳ.
Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040. Hoàn thành lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành Trung ương về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang tập trung giải trình, tiếp thu và hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đã đề ra. Giải ngân vốn đầu tư công đối với một số nguồn vốn còn chậm như nguồn vốn nước ngoài (0%); có 41/67 đơn vị giải ngân còn chậm (dưới 10%), trong đó có 26 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân (0%). Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được các địa phương triển khai quyết liệt, nhưng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; một số vướng mắc còn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là các dự án hạ tầng khu công nghiệp, dự án đường giao thông trọng điểm... Một số ngành, địa phương còn chậm trễ, công tác phối hợp trong việc xử lý các thủ tục, hồ sơ các dự án đầu tư chưa hiệu quả.