Hạ tầng giao thông, “đột phá” phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:18, 29/03/2024

“Tập trung hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với Vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi tỉnh với Vùng, với cả nước và quốc tế, để Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của Vùng và của quốc gia”. Đây là một nội dung “đột phá” phát triển được xác định tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là bài học từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội; trong đó “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”, là “đột phá chiến lược” thứ 3.

cau-phuoc-an-4.png
Phối cảnh công trình cầu Phước An (Nguồn: UBND tỉnh BRVT)

Trong phương hướng phát triển các ngành quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) có dịch vụ hàng hải và logistics. Về nội dung này, Chính phủ nêu rõ: “tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển chủ yếu của khu vực Đông Nam Bộ”, (Quyết định số 1629/QĐ-TTg).

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 3 với chiều dài khoảng 19,5 km đi qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án thành phần 3: Km34+200, tại đường Tô Đình Nguyệt, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm cuối tại nút giao QL56 thuộc xã Hòa Long (TP. Bà Rịa).

cao-toc-bhvt.png
Phối cảnh tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Nguồn: UBND tỉnh BRVT)

Dự án cầu Phước An nối đường liên cảng với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - nơi đấu nối các tuyến đường quan trọng là đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; nối Bình Dương với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải qua Đồng Nai. Còn cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp cho vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai đến các khu vực lân cận và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và cả khu vực Đông – Tây Nam Bộ.

Quan trọng không kém là các dự án giao thông này có tính chất động lực, lan tỏa sự phát triển. Trong tương lai gần, BRVT có “hệ thống giao thông đồng bộ, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, an toàn”, (Quyết định số 1629/QĐ-TTg), thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.

Sắp tới, BRVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hình thành trung tâm kiểm định hàng hóa tại Cái Mép - Thị Vải, kết hợp với trung tâm thương mại tự do.

Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định, đến 2030, BRVT sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trong đó có du lịch biển. Quyết định 1629/QĐ-TTg xác định “Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế”.

Theo đó, dọc tuyến đường tỉnh ĐT994 từ Vũng Tàu đến Bình Châu, hình thành trục động lực kinh tế du lịch, tạo vành đai liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thuộc Vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Phát triển khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải và Hồ Tràm - Bình Châu, với chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao, văn hóa, sinh thái, bất động sản, y tế phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển, bao gồm Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu theo hướng đô thị xanh; chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong Vùng Đông Nam Bộ. Phát triển TP. Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Hạ tầng giao thông đã và đang tạo ra “cú huých” để phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Nh iều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tuyến ven biển từ TP. Vũng Tàu qua Long Hải (huyện Long Điền) và đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đang còn quỹ đất rất lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, đây là động lực để tỉnh phát triển. Nhiều nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế sẽ về khu vực này khi tỉnh hình thành được tuyến đường 994. Hiện các nhà đầu tư đang rục rịch tìm hiểu khu vực này.

Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, kỳ vọng tiến độ thực hiện các dự án tại BRVT sẽ về đích đúng hẹn. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường ven biển và cây cầu bắc qua sông Thị Vải được hoàn thành sẽ biến ước mơ thành hiện thực, rút ngắn thời gian đi lại giữa BRVT với các địa phương khác trong vùng Đông – Tây Nam Bộ, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Võ Phương Thủy