Nhà văn Phan Mai Hương và "Con nhện bên khe cửa"

Văn hóa - Ngày đăng : 11:08, 15/05/2024

Thời gian có thể hủy hoại tất cả nhưng lại làm màu mỡ những cánh đồng thơ. Vấn đề là biết cách nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang, như cách nói ví von lúc sinh thời của Chế Lan Viên. Điều căn cốt, thơ cũng như văn phải cất lên được tiếng nói thân phận....
z5005590406536_dc1cc8377a3fd8c151ccdb1a477311cf.jpg
Nhà văn Phan Mai Hương nhận giải Sáng tác về biển đảo

1. Biết Phan Mai Hương cũng chưa lâu lắm, nhưng hẳn không còn mới. Đã nhờn mặt nhau, nhưng bỗng dưng một ngày được nhà văn Phan Mai Hương tặng tập thơ Con nhện bên khe cửa, NXB Hội Nhà văn, quý 4/2023, thì tôi sửng sốt. Hồi này các nhà văn “tấn công” thi đàn nhiều quá?!

Và rồi tôi nhớ lại, chị ra thơ cũng có “quy trình” đấy. Đầu tiên, chép thơ vào sổ sáng tác, công bố “nhỏ giọt” trên trang cá nhân, in trên các tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật và in thành tập. Như vậy là cũng “TASS được quyền tuyên bố”, không đến nỗi mang tiếng “đánh úp” người yêu thơ.

Tập thơ Con nhện bên khe cửa gồm có 45 bài. Ngó qua mục lục nhận ra ngay là “nhật ký” cảm xúc trước các địa danh có thực, nơi tác giả từng đặt chân đến. Đó là Hội An (Đêm ở Hội An), Đồng Văn (Chợ Phố Cáo Đồng Văn), quần đảo Trường Sa (Nhớ về Nhà Giàn);Những khoảng khắc trước cỏ cây, hoa lá (Sen đắng, Điệp khúc nhẫn cỏ)....đến các cuộc đối thoại với chính mình (Ghi lại giấc mơ, Thiền, Cầm lên viên phấn...).
...
Ta cầm lên thanh xuân của mình
Chói lòa yêu thương ngọt ngào cay đắng
Những gì nhặt rơi được và mất
Ta gói vào ký ức thảng phôi pha

(Cầm lên viên phấn)

z5005525916191_88e54bf96bee36da1783d8a434f7694a.jpg
Bìa tập thơ Con nhện bên khe cửa của nhà văn Phan Mai Hương

Phan Mai Hương vốn là nhà giáo ở Hòa Bình. Chị dạy văn, trường Chuyên. Thơ trong Con nhện bên khe cửa trước hết là tiếng nói tự thân. Nếu như trong văn, nghề giáo và môi trường sư phạm xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn của chị, thì đến thơ, hẳn nhiên, không thể thiếu cảm xúc ký ức về một thời “phấn trắng, bảng đen”. “Ta cầm lên giọt sương long lanh / Ai biết được bông hoa xấu hổ / Lặng lẽ nép bên đường màu trinh nữ / Dâng hiến mình cho tia nắng đầu tiên”, (Cầm lên viên phấn).

Hoa xấu hổ”, “Giọt sương”, “Tia nắng đầu tiên” là những hình ảnh từ tự nhiên, bước vào thơ thành hình ảnh nghệ thuật. Trong dân gian, cây Xấu hổ - có nơi gọi là cây Trinh nữ - là một loài cây cỏ, vẫn mọc hiền lành bên đường, con người ta phải để ý lắm mới nhận ra.

Phan Mai Hương đã quan sát rất tinh tế, sử dụng tổ hợp từ ngỡ như vô tình nhưng có chủ ý, tạo nên điệp ảnh làm tăng hiệu quả cảm xúc. Xấu hổ - Trinh nữ trong hoàn cảnh tự sự này trìu tượng, “xấu hổ” biểu tượng cho khiêm tốn, “trinh nữ” thể hiện cho sự trong sáng, nguyên khiết kinh. Có thể, đó là ẩn dụ về chị hoặc biết bao cô giáo khi mới bước vào “nghề thầy”, dâng hiến tất cả đam mê, khát vọng vì đàn em nhỏ, vì những điều nói ra dễ “đại ngôn” là trồng người.

Ngoài đời Phan Mai Hương là người rổn rang như con chim sơn ca của núi rừng Hòa Bình, nhưng tâm cảm là người suy tư như nàng Ả xứ Mường. Nàng ả thuộc về cố thổ. Đọc các bài thơ “Khi nào”, “Không đề”, “Cảm xúc”...dễ nhận ra tâm hồn luôn tự vấn, thắc mắc. “Hoa hồng sinh ra / Là để tỏa hương / Và sắc nhọn trên cành xanh lá biếc”, (Không đề). Cứ thế chị luận cảm với hoa hồng, với mặt trời, với con đường...để ao ước “Đôi mắt em / Chợt gặp / Một hòn sỏi phản chiếu lấp lánh cầu vồng”. Chị luôn khát khao dâng hiến cho cuộc đời, ước mơ nhân ái, vẻ đẹp mỗi ngày phồn sinh, tươi tốt: “Em vun tuổi em đầy lại / Gom mình cháy hết / Cho mai”, (Khi nào).

Mai” ở đây là ngày mai, những điều thuộc về tương lai, thuộc về sinh bản.

z5249586596391_07da38737d6a982e3b9dffd988d8d293.jpg
Nhà văn Phan Mai Hương (bên trái) tặng tác giả bài viết tập truyện ngắn "Chín vía gọi về" của chị

2. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nói, khi con người ta còn biết yêu, người ta còn làm thơ. Hẳn nhiên, đấy không phải chỉ là tình yêu lứa đôi, mà rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước. Trong Con nhện bên khe cửa có mảng đề tài đó. Phan Mai Hương là người có vẻ là “tín đồ” của “tôn giáo” xê dịch? Xem trang cá nhân của chị cũng biết, chị “nay đây mai đó”.

Phan Mai Hương là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình.

Năm 2023, có vẻ chị dấn thân vào đời sống, hoạt động phong trào, đi thực tế sáng tác khá sung. Thoắt cái, tháng này ra Trường Sa trong chương trình sáng tác về biển đảo; thoắt cái đã thấy xuất hiện bên nước bạn Lào. Cuộc sống mà chị nhận diện, cứ chủ ý và vô ý vỗ vào tâm hồn chị mà thành nhân vật trong văn, thành hình tượng nghệ thuật trong thơ. Con nhện bên khe cửa xác tín rằng, Phan Mai Hương không phải là người thờ ơ với thời cuộc. Thì đấy “Mùa Covid-19”, “Đi tìm tháng tư”... xuất hiện trong Con nhện bên khe cửa là sự xác tín. Về chủ đề biển, đảo trong tác phẩm có “Nhìn mặt trời”, “Gặp cây vối ở đảo”, “Nhớ về Nhà Giàn”...
...
Tôi ra biển
Gặp hoàng hôn rơi xuống chân sóng
Một ngày rơi xuống ký ức

(Nhìn mặt trời)

Cuối tháng Tư này nỗi nhớ trọn nơi anh
Đất Mẹ vững trong lòng rạn san hô đáy biển
Nhà giàn nhỏ xíu luôn vững chân hiển hiện
Là một dấu chấm, ngắt câu rõ ràng rành mạch
Biển trời quê hương một tấc không rời

(Nhớ về Nhà Giàn)

Có ra quần đảo Trường Sa mới hiểu được thông điệp biển, rạn san hô ở Trường Sa cũng có thông điệp về chủ quyền. Nhiều đảo chúng ta đã xác lập chủ quyền trên thực tế, vốn là bãi san hô...Vì nó mà người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đã và đang sẵn sàng hy sinh. Vì nó mà, bộ đội chúng ta đã và đang ngày đêm vững vàng tay súng, xác định “Biển là quê hương, đảo là nhà”. “Nhà giàn mong manh / Nhỏ xíu như một dấu chấm đặt cuối tầng câu phức / Khi em viết câu chính tả đầu tiên / Tổ quốc Việt Nam”, (Nhớ về Nhà Giàn).

Mênh mông đất Mẹ, mênh mông biển đảo, mênh mông nhớ thương. Viên san hô giữa biển khơi cũng chính là Tổ quốc.

Thơ là tiếng ngoài tự thân. Thơ là di cảo giấc mơ đã thành văn bản của mỗi tác giả. Phan Mai Hương từng đi giải mã giấc mơ ấy của chị. Có điều, ngay trong giấc mơ, chị cũng trầm tư về nhân thế.
...
Em mang giấc mơ của em
Đi một bước bằng đôi hài bảy dặm
Giấc mơ nào cũng mang hình chàng hoàng tử
Nâng niu em như công chúa mặt trời

Em không biết lòng người cũng thăm thẳm đại dương
Nhấn em chìm nghỉm

(Giấc mơ của em)

Đọc mấy câu thơ này của Phan Mai Hương, tôi lại nhớ đến nhà văn Pháp, G.Mô-pa-xăng. Ông đã từng nói câu: Biển đã rộng mênh mông nhưng trời còn mênh mông hơn, trời đã mênh mông nhưng thấm gì so với lòng người vô biên vô tận. G.Mô-pa-xăng đặt câu hỏi và khẳng định: “Nhìn vào đâu thấy nhiều ánh sáng và bóng tối bằng nhìn vào lòng người?!”. Câu thơ “Em không biết lòng người cũng thăm thẳm đại dương” là câu thơ của va đập, trải nghiệm giữa cuộc đời, có vẻ đẹp triết mỹ.

436678852_977711600362896_7601393622691004276_n.jpg
Nhà văn Phan Mai Hương (bìa phải) tham gia Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh vì biển đảo trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa năm 2023.

3. Cho đến nay, nhà văn Phan Mai Hương đã giới thiệu với bạn đọc 10 tác phẩm, chủ yếu là tập truyện ngắn. Chị cũng đã có 9 giải thưởng ở các cấp độ khác nhau. Chị là người Mường. Đọc văn Phan Mai Hương thấy chị gắn liền với bản sắc Mường, văn hóa Mường. Dẫu nay Phan Mai Hương đã về định cư ở Hà Nội, nhưng căn nhà của chị vẫn được giữ nguyên ở một địa danh mường tận Hòa Bình.

Có dịp ngược sông Đà từ Thành phố Hòa Bình lên tận đền Miếng (Mộc Châu, Sơn La), và ghé thăm thú nhiều bản dọc sông Đà, tôi biết chị am hiểu Mường, kiêu hãnh Mường. “Em cứ viết về Mường của em, mới bản sắc”, tôi nói với chị.

Đúng thế, không ai “bứng” được chị khỏi Mường, dẫu hàng hàng đô hội ồn ĩ quanh chị. Chợt nhớ kỷ niệm với cố nhà thơ Y Phương. Lúc ông còn sống, một lần đến thăm tư gia của ông, Y Phương nói: “Em xem trong nhà anh, đầy đủ không gian Tày”. Ông nói với tấm lòng kiêu hãnh, tràn ngập cảm xúc. Tôi tin rằng, với Phan Mai Hương cũng vậy, tâm hồn chị phải gắn với mạch nguồn, cố thổ mới hình thành nên phong cách, xác quyết bản ngã.
...
Hội tan rồi
Em cũng thôi rong chơi
Mùa đất mở cho hạt đòng vào vụ
Hòn đất chở một mùa màng bụ bẫm
Trang sách dày màu hoa mới lên hương

(Em về thôi)

Về thôi”, hẳn nhiên không phải là trạng động từ chỉ trạng thái. Về với mình, với cộng đồng mình. Tôi nghĩ, đó là một thông điệp. Ải Lý, Ải Lo không chỉ dạy cho bà con cách đào mương dẫn nước, làm cho “mùa màng bụ bẫm” mà còn dạy cho dân Mường nghi lễ…để “Trang sách dày màu hoa mới lên hương”.

Suy cho cùng, cuộc đời rộng lớn ngoài kia dù có đa biến, đa phức thế nào chăng nữa, cũng chỉ làm giàu thêm tâm hồn. Thời gian có thể hủy hoại tất cả nhưng lại làm màu mỡ những cánh đồng thơ. Vấn đề là biết cách nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang, như cách nói ví von lúc sinh thời của Chế Lan Viên. Điều căn cốt, thơ cũng như văn phải cất lên được tiếng nói thân phận. Phan Mai Hương đã chứng minh, tâm hồn chị đang nhú lên giọng điệu./.

Ngô Đức Hành