Nông nghiệp Việt Nam điểm đến hấp dẫn của Đan Mạch
Nông nghiệp - Ngày đăng : 21:50, 17/05/2024
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ vui mừng và vinh dự được tiếp đón Bộ trưởng Jacob Jensen và đoàn công tác của Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch. Với mối quan hệ thân tình của hai nước trên 50 năm qua, Chính phủ Đan Mạch dành cho Việt Nam nhiều chương trình hỗ trợ nhằm phát triển đất nước, đặc biệt các dự án lớn dành cho ngành NN&PTNT với nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: Thủy sản, Thủy Lợi, Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y và An toàn thực phẩm.
Năm 2023 Chính phủ 2 nước đã có lễ công bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu và phát minh các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với trong tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và tiết kiệm tài nguyên cũng như sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững, bao gồm các công nghệ và giải pháp cho sản xuất.
Việt Nam và Đan Mạch có mối quan hệ song phương lâu dài, bền chặt trên 50 năm, kể từ năm 1971 cho đến nay. Từ năm 2017 đã nhiều chương trình hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đem lại giá trị lợi ích cao cho kinh tế 2 nước.
Sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch đã đem lại hiệu quả thiết thực nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, hệ thống quản lý chế biến sản phẩm thủy sản, chăn nuôi, nước sạch vệ sinh nông thôn, đặc biệt là đội ngũ quản lý, nghiên cứu kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị: Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm tư vấn về chuyên môn nghiên cứu, đánh giá môi trường trong sản xuất nông nghiệp bao gồm quản lý tài nguyên bền vững, giảm yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ, trong đó có những loại cây có giá trị cao. Đồng thời phối hợp xây dựng các Chương trình hợp tác trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trồng trọt giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hợp tác giữa các Viện nghiên cứu, trường Đại học trực thuộc hai Bộ.
Thiết lập kênh quan hệ đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực gồm; ngăn ngừa và chống lãnh phí, thất thoát thực phẩm, sản xuất lương thực bền vững theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) và chuỗi cung ứng hiệu quả về nguồn nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản – Ông Jacob Jensen gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã dành thời gian tiếp đón rất nồng hậu, ông cho biết: tiềm năng hợp tác song phương giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với những doanh nghiệp và nhà đầu tư Đan Mạch. Ngược lại Đan Mạch cũng mong muốn được kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp có ngành hàng tốt, chất lượng mà Đan Mạch phải nhập khẩu cho đất nước của mình. Về các lĩnh vực như sản xuất sữa, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm… Đan Mạch có nhiều kinh nghiệp cũng như công nghệ tốt có thể chia sẻ, hợp tác cùng chuyển giao cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Bộ trưởng Jacob Jensen, trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh và sản xuất thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã phát triển được các phương pháp và cách tiệp cận mạnh mẽ, sáng tạo cho toàn bộ chuỗi giá trị giúp tăng năng xuất sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm nhưng đồng thời cũng giảm thiểu tiêu thụ nước và năng lượng. Qua đây Đan Mạch mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm này và truyền cảm hứng cho sự hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc này, Bộ trưởng Jensen đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để gia hạn chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ.
Cùng với đó đại diện 2 bên cũng ký kết Văn kiện Chương trình hợp tác chiến lượng ngành về an toàn thực phẩm giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch.