Nâng cao bảo mật, giúp người dân an tâm khi giao dịch không tiền mặt

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 11:41, 16/06/2024

Trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024", chiều ngày 14/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng.

ha-1-tckt-15062024.png
Phiên thảo luận 1: Nâng cao khả năng bảo mật cho hệ thống giao dịch trực tuyến

Hội thảo được tổ chức thành hai phiên chính. Trong đó, phiên 1 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng", tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa; Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Phiên 2 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân" với nội dung về ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến, giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng - Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHN của NHNN như thế nào?

Theo ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của thanh toán không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

“Cùng với việc ủng hộ thanh toán không tiền mặt thì mong muốn giảm thiểu rủi ro, bảo đảm tốt hơn an ninh, an toàn khi người dân kích hoạt phương thức thanh toán không tiền mặt sau mở tài khoản đang là nhu cầu thực tế”, ông Lê Thế Chữ nhấn mạnh.

Vì vậy, Ban Tổ chức quyết định chọn chủ đề chương trình “Ngày không tiền mặt 2024” là “Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn". Chương trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: Hội thảo, lễ hội không tiền mặt, cuộc thi hiến kế giao dịch an toàn, livestream bán hàng không tiền mặt, tháng khuyến mại tập trung không tiền mặt, tập huấn giao dịch không tiền mặt an toàn cho công nhân, tiểu thương, đi bộ hưởng ứng ngày không tiền mặt... Tất cả hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.

TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt

ha-2-tckt-15062024.png
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo

Đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của đơn vị tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, "Ngày không tiền mặt” đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của thành phố.

Tại TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Lãnh đạo thành phố xác định giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, thành phố đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thanh toán không tiền mặt, thành phố gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.

Thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ đề 2024 của TP. Hồ Chí Minh là thực hiện hiệu qủa chuyển đổi số và nghị quyết 98.

Tại hội thảo, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng nêu một số biện pháp để vừa đảm tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân.

Thứ nhất, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai, cập nhật các vấn đề phát sinh để bổ sung, hoàn thiện các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới. Cùng với đó, hoàn thiện trách nhiệm các bên liên quan trong giao dịch không tiền mặt.

Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hoá dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thứ ba, đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai phát triển Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Các sở, ban, ngành thành phố, phối hợp với Báo, đài, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giao dịch không tiến mặt cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt,

Hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ giao dịch không tiến mặt một cách an toàn, phòng ngừa các rủi ro mất an toàn trong giao dịch. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hình thành hệ sinh thái số, phục vụ thanh toán thông minh trên địa bàn thành phố.

Nâng cao cảnh giác khi thanh toán không tiền mặt

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Phát triển các công cụ thanh toán hiện đại để tăng tiện ích

ha-3-tckt-15062024.png
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Năm 2023, tỷ lệ thu - chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu - chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;…

Ngành tài chính đã chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ trong quá trình sử dụng.

Kết nối, chia sẻ thông tin mã độc và thông tin giám sát an toàn thông tin mạng với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; chuẩn bị kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an ninh mạng với Trung tâm an ninh mạng quốc gia thuộc Bộ Công an.

Bộ Tài chính đề nghị các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng đến thực hiện thu - chi ngân sách nhà nước và coi đây là những khách hàng đặc biệt.

Mặt khác, ngân hàng đẩy mạnh phát triển các công cụ thanh toán hiện đại để tăng tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là các tiện ích trên thiết bị di động nhằm khuyến khích người sử dụng tự nguyện chuyển sang thanh toán không tiền mặt.

Ngay sau hội thảo, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ khai mạc Lễ hội "Ngày không tiền mặt 2024", chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2024, chào đón người dân, du khách đến trải nghiệm.

Minh Dung