VLA nhiệm kỳ VIII (2021-2024): Kỳ 1: Một nhiệm kỳ nhiều "điểm sáng"
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:23, 02/07/2024
Có thể nói, Nhiệm kỳ VIII là nhiệm kỳ mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (Hiệp hội VLA) đã có sự nỗ lực và sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam với rất nhiều hoạt động nổi bật và tạo được những “điểm sáng” đáng ghi nhận.
…Địa lợi, nhân hòa
- Để phát triển ngành logistics, Chính phủ đã hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với 06 mục tiêu 61 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ logistics nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương yêu cầu chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics như: Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, giảm chi phí logistics đáp ứng được với sự vận hành của nền kinh tế trong giai đoạn mới, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung cho cả giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ ban hành đã chỉ rõ quan điểm của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Qua đó khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, đường lối sát thực tế, đúng phương hướng, nhằm phát triển Ngành dịch vụ.
Năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. LPI nằm trong Báo cáo “Kết nối để Cạnh tranh 2023” do WB phối hợp với Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải quốc tế (FIATA) thực hiện. Đây là báo cáo chuyên đề logistics trước đây được thực hiện 2 năm/lần, được xây dựng khá bài bản và đặc biệt. Báo cáo này cung cấp bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI). Chỉ số LPI được đội ngũ xây dựng chính sách quốc tế sử dụng thường xuyên và cũng đã xuất hiện trong Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26/03/2019 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.
Các thách thức
- Từ năm 2021-2024, kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề sau Đại dịch Covid-19, các sự kiện địa chính trị cũng như suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ đã tác động tích cực đến các ngành nghề trong đó có logistics. Logistics nội phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó điển hình khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các FTA thế hệ mới với sự gia tăng cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
- Hạ tầng Logistics tuy có được đầu tư mở rộng nhưng thiếu kết nối đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của việc phát triển nhanh chóng dịch vụ logistics. Kết cấu hạ tầng logistics ở miền Trung bị bão, lụt, lũ quét tàn phá nặng nề.
- Chi phí logistics vẫn ở mức cao. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của ngành logistics. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao cho Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics còn ở thấp. Qua đó hạn chế chất lượng và năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Về Hội viên
Phát triển Hội viên:
Hiệp hội đã tích cực đẩy mạnh công tác phát triển Hội viên dưới nhiều hình thức vận động. Trong 3 năm qua, số hội viên tăng từ 458 (cuối nhiệm kỳ VII) lên 764 hội viên, đạt chỉ tiêu từ đầu Nhiệm kỳ VIII đề ra. Đến hết tháng 5/2024, VLA có 779 Hội viên trong đó gần 600 Hội viên chính thức, hội viên liên kết 180 (trong đó FDI là 109).
Kết nối hội viên:
Công tác kết nối Hội viên thực sự được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện trong nhiệm kỳ VIII, Hội viên gắn bó với Hiệp hội thông qua hoạt động của Ban Chấp hành, các Ban chuyên môn và Văn phòng Hiệp hội. Bên cạnh các hoạt động được tiếp tục thực hiện từ nhiệm kỳ trước như: có trang chúc mừng ngày thành lập công ty Hội viên, chúc mừng Hội viên mới trên Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR); mỗi Hội viên hàng tháng được tặng 01 cuốn Tạp chí. Nhiệm kỳ VIII, các hoạt động kết nối hỗ trợ Hội viên được đổi mới, thực hiện:
- Từ năm 2021, VLA phát hành Bản tin định kỳ 02 số/tháng với các thông tin cập nhật về logistics, kinh doanh trong nước và thế giới gửi cho hội viên qua email và đăng tải trên website Hiệp hội.
- Song song với việc trên, phát hành NEWSLETTER hàng tháng của VLA có chất lượng, phản ánh kịp thời các hoạt động chính của VLA và các vấn đề về pháp luật liên quan đến dịch vụ logistics. Trang Webside của VLA đã có cải tiến và có nhiều bài phong phú về nội dung hơn và kịp thời về tính thời sự.
Trong 3 năm qua, Hiệp hội đã đẩy mạnh công tác kết nối với hội viên thông qua việc thường xuyên gửi thông tin chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN) liên quan đến ngành dịch vụ logistics, thông tin hoạt động, sự kiện, mời tham gia các chương trình do VLA tổ chức và phối hợp tổ chức. Cụ thể: đã gửi hơn100 lượt thông tin/năm đến hội viên.
Hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hội viên:
Trong các năm qua, VLA đã tham gia nhiều Hội nghị của Trung ương và tỉnh thành và thay mặt hội viên có nhiều kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp hội viên và được ghi nhận. (Chi tiết ở mục 2.2. Công tác phản ánh những vấn đề liên quan nhằm giải quyết khó khăn cho hội viên)
Tiếp tục làm tốt công tác tư vấn pháp luật nhằm hỗ trợ cho hội viên trong các tình huống giải quyết tranh chấp liên quan đến kinh doanh.
Tổ chức các đoàn xúc tiến tham quan thực tế ở nước ngoài thông qua các sự kiện vùng, thế giới của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) hàng năm; Tổ chức Chương trình tham quan, xúc tiến thương mại với Ấn Độ do Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ với hơn 20 doanh nghiêp hội viên. Chương trình nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Ấn cũng như xúc tiến các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước trong thời gian tới.
Tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, tìm kiếm cơ hôi kinh doanh tại các Hội chợ, Triển lãm: Từ 2022, tham gia gian hàng Logistics VLA tại Triển lãm quốc tế xuất khẩu đồ gỗ & nội thất - Hawa Expo với sự tham gia của các doanh nghiệp hội viên. Lần đầu tiên năm 2022, tham gia gian hàng Logistics tại Hội chợ VIETNAM EXPO do Bộ Công Thương chủ trì. Gian hàng có sự tham của 6 doanh nghiệp hội viên; thực hiện và đang triển khai Đề án xúc tiến thương mại cấp quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt trong việc tổ chức Đoàn đi gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh tại FIATA World Congress Panama vào tháng 9/2024.
Tổ chức hoạt động kết nối kinh doanh (B2B) với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế như: B2B với Đoàn doanh nghiệp Hiệp hội Logistics Campuchia, B2B tại AFFA Lào 2022, Campuchia 2023, Gặp “trà chiều” Hiệp hội IOFLAT; B2B với Hiệp hội Trùng Khánh, CIFA, Giang Tô – Trung Quốc; B2B tại Hội nghị FIATA RAP 2023 Đà Nẵng; Gặp Công ty Ahler – Bỉ.
Bên cạnh đó, VLA thường xuyên gửi thông tin cho hội viên về các hoạt động xúc tiến thương mại của các cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN), đại sứ quán, thương vụ, các sự kiện hội thảo, hội nghị (hơn 200 lượt thông tin trong 3 năm từ 2021-hết tháng 5 năm 2024). Qua đó, làm cầu nối, tạo cơ hội cho hội viên thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh doanh.
Về phản biện chính sách
Một trong những điểm nổi bật đã làm tốt của Nhiệm kỳ VIII là công tác phản biển xã hội bảo vệ quyền lợi của Hội viên, qua đó góp phần nâng cao được vai trò và vị thế của Hiệp hội.
Công tác tham gia, góp ý kiến trong việc xây dựng dự thảo văn bản của các bộ, ban, ngành, điạ phương (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính - Tổng Cục Hải quan, Ban IV - Văn phòng Chính phủ…) được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Trong 3 năm qua, đã có gần 20 văn bản góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư… về các nội dung liên quan đến ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Trong đó, nổi bật:
- Được cử thành viên tham gia vào Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ (năm 2023). Việc này bước đầu khẳng định vai trò, vị thế của Hiệp hội được Chính phủ quan tâm, ghi nhận.
- Đề xuất với Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) trong việc phát triển đội tàu biển container Việt Nam và cử người tham gia Đề án này của Cục HHVN: Trước tình hình khó khăn về đội tàu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) mà hiện nay khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua đường biển và khoảng trên 90% số hàng hóa đó là do hãng tàu nước ngoài vận chuyển, giá cước vận chuyển hàng container giai đoạn đầu năm 2022 vẫn ở mức tăng cao, từ giữa năm trở đi đã giảm xuống, gây khó khăn cho các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu.
- VLA đã tiến hành phản ánh kịp thời các ý kiến của Hội viên, điển hình là việc thể hiện vai trò chủ động, đầu tàu trong 5 Hiệp hội liên quan đến kinh doanh dịch vụ logistics đường thủy nội địa qua việc kiên trì phản biện với chính sách, quy định về việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng. Kết quả ban đầu từ 1/8/2022, TP. Hồ Chí Minh đã miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy; Giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy. Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP. Hồ Chí Minh hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu (tức là giảm 50%). Kết quả trên mang lại cả ý nghĩa kinh tế và xã hội cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics, góp phần làm giảm chi phí logistics.
- Tiếp theo kết quả đó, Hiệp hội đã cùng 5 Hiệp hội ngành nghề liên quan tiếp tục có kiến nghị với TP. Hải Phòng đề nghị loại bỏ thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa thông qua cảng biển được chuyên chở bằng đường thủy nội địa.
- Nghiên cứu và triển khai Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội tiến hành Dự án với quy mô rộng lớn nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về năng lực hoạt động logistics cấp tỉnh, thành phố, qua đó giúp cho các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách của từng địa phương và Trung ương, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước trong việc đặt kế hoạch và đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics một cách có hiệu quả.
Kết quả của báo cáo tập trung vào việc xác định điểm số LCI, thứ tự xếp hạng đối với các địa phương và các đề xuất định hướng cho các báo cáo LCI trong những năm tiếp theo. Sự xuất hiện của LCI dự kiến sẽ mang lại ý nghĩa tích cực và tạo thành một bước đột phát trong định hướng phát triển logistics Việt Nam. Về lâu dài, dự án LCI sẽ tác động tích cực cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời trở thành căn cứ tin cậy để các khối công và tư căn cứ xây dựng kế hoạch chiến lược
Ngày 25/12/2023, đề xuất Dự thảo Chiến lược kiềng 3 chân về Phát triển Cảng Trung chuyển quốc tế, Chiến lược phát triển Khu thương mại tự do (FTZ) tại Việt Nam, và Phát triển vận tải kết nối Việt Nam – Quốc tế gửi các Bộ, Ban, Ngành liên quan của nhà nước nhằm góp phần phát triển kinh tế quốc gia.
Tháng 3/2024, tham gia góp ý kiến đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.
Ngoài ra còn có nhiều kiến nghị nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics tại các địa phương như: góp ý, kiến nghị để đẩy mạnh hoạt động logistics tại Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang…
Về công tác phản ánh những vấn đề liên quan nhằm giải quyết khó khăn cho hội viên. Trong các năm qua, VLA đã tham gia nhiều Hội nghị của Trung ương và tỉnh thành và thay mặt các hội viên có nhiều kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (DN) hội viên và được ghi nhận. Có nhiều công văn gửi các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến quyền lợi hội viên, như việc Góp ý sửa đổi Nghị định/Thông tư về thủ tục Hải quan; Đề xuất về quy định luồng xanh cho vận tải đường bộ, ưu tiên tiêm chủng vaccine cho các DN và nhân sự tham gia trực tiếp vào hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, làm việc ở cảng biển, cảng hàng không; Hỗ trợ DN về giá điện, giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng, giảm phí cầu đường, cảng biển…cho các DN gặp khó khăn; Góp ý cho Cục HHVN về giải pháp cho giá cước hàng container đường biển và phụ phí tăng cao, thiếu container rỗng, giải thích về yêu cầu vận chuyển hàng hóa đi và đến Mỹ… Kiến nghị giải quyết ách tắc trong kiểm định an toàn kỹ thuật – Bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Có nhiều ý kiến cụ thể trong các hội nghị, hội thảo và chuyên đề trên truyền hình về tháo gỡ khó khăn cho DN và phát triển dịch vụ logistics trong “điều kiện bình thường mới sống chung với Dịch Covid-19”.
Tháng 2,3/2024, VLA đã có công văn kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xem xét không áp dụng phương án cấm tải mới do Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đề xuất mà giữ nguyên giờ cấm tải như hiện tại. Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường các lực lượng, số lượng nhân sự điều phối giao thông tại khu vực này, đồng thời thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông từ xa.
Về tư vấn pháp lý
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Công tác đào tạo và tư vấn pháp luật cho Hội viên ngày càng được đề cao và có hiệu quả thiết thực giúp Hội viên giải quyết khó khăn và giảm chi phí kinh doanh. Hiệp hội đã tập hợp được các nhà nghiên cứu và thực hành pháp luật logistics hàng đầu của Việt Nam. Ban pháp luật của Hiệp hội đã có những hoạt động tích cực, nổi bật, được Hội viên quan tâm, ghi nhận, tiếp tục phát huy trong Nhiệm kỳ tới. Cụ thể:
- Tư vấn giải quyết tranh chấp có hiệu quả cho hội viên: 97 vụ tư vấn năm 2021; 100 vụ tư vấn năm 2022; 98 vụ tư vấn năm 2023; 34 vụ trong 5 tháng đầu năm 2024.
- Tổ chức chương trình đào tạo về pháp luật hỗ trợ hội viên như: Hội thảo trực tuyến với chủ đề về pháp lý liên quan đến các vấn đề kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19, như Bất khả kháng, e-B/L, e-DO điện tử; Kỹ năng soạn thảo hợp đồng dịch vụ Logistics. Ngoài ra, phối hợp với Ban Vận tải và Giao nhận tổ chức giới thiệu về yêu cầu có giấy phép/bảo lãnh khi vận chuyển hàng hóa đi Mỹ cho Hội viên, DN XNK và các Cơ quan quản lý liên quan.
- Tiếp tục định kỳ 01 số/tháng xuất bản Newsletter gửi cho các Hội viên và đăng tải trên website VLA.
- Phát triển Chuyên mục “Góc Pháp luật” đăng tải trên Tin nhanh hàng tháng của VLA với những bài viết chuyên sâu liên quan đến pháp lý trong hoạt động kinh doanh nhằm bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho hội viên.
- Tư vấn có hiệu quả, miễn phí cho Hội viên về việc sử dụng Hợp đồng, vận đơn FIATA , Điều kiện kinh doanh chuẩn (STC), vụ việc liên quan đến đòi nợ… nhanh chóng, kịp thời, thông thường là hoàn thành trong khoảng 2 - 4 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp chưa rõ vấn đề hội viên nêu, cần phải chờ thêm tài liệu thì trả lời sau.
- Tham sửa đổi Điều lệ hoạt động của Hiệp hội trong Đại hội nhiệm kỳ VII và được Bộ Nội vụ phê duyệt Ban hành tại Quyết định số 1156/QĐ-BNV ngày 03/11/2021.