Giám đốc khối Kho vận U&I Logistics - Nguyễn Thanh Lâm: Thị trường kho ngoại quan cho xuất khẩu đồ gỗ đang khởi sắc
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:00, 03/07/2024
U&I Logistics cũng là đơn vị đã đạt chứng chỉ về Tuân thủ tiêu chuẩn an ninh C-TPAT, đây quả là thế mạnh trong hoạt động dịch vụ kho vận và phân phối hàng hóa của U&I Logistics.
- Thưa ông Lâm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2024 tăng 25% so với cùng kỳ. Theo ông, liệu đây có phải là tín hiệu lạc quan cho thị trường kho ngoại quan tại “thủ phủ đồ gỗ” của Bình Dương?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Trước tiên đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, đến các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiếp theo là đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.
Bình Dương hiện là thủ phủ sản xuất đồ gỗ của Việt Nam nên sẽ là địa phương hưởng lợi nhiều nhất trong việc tăng trưởng này. Tuy nhiên, là đơn vị kinh doanh kho ngoại quan phục vụ cho ngành đồ gỗ lớn nhất cả nước và hệ thống kho đặt tại thủ phủ này, U&I Logistics chúng tôi nhận thấy đây chưa hẳn là tín hiệu lạc quan cho thị trường kho ngoại quan tại đây, vì phần lớn trong tỉ lệ tăng trưởng này là hàng xuất trực tiếp từ nhà máy ra nước ngoài, hàng qua kho ngoại quan cũng tăng trưởng nhưng đạt tỉ lệ nhỏ hơn.
Xuất trực tiếp đang là xu hướng chung mà các công ty thương mại Hoa Kỳ đang áp dụng nhằm tiết giảm chi phí logistics trong bối cảnh sức mua của thị trường chưa hồi phục, cước vận chuyển đang tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, xuất trực tiếp chỉ là giải pháp tạm thời vì nó làm giảm tính linh hoạt trong việc phối/kết hợp hàng hóa từ nhiều nguồn cung khác nhau, gây bất tiện đối với các đơn hàng đặt nhiều chủng loại, nên về lâu dài kho ngoại quan tại Việt Nam vẫn sẽ là lựa chọn tối ưu cho việc lưu trữ, kết hợp và phân phối hàng đồ gỗ ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Theo tìm hiểu từ một số khách hàng về thị trường Hoa Kỳ, trong thời điểm từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu dùng hàng đồ gỗ sẽ ít biến động do sức mua - dù có tăng trưởng nhưng - chậm, điều này thể hiện khá rõ qua kết quả không mấy thành công của Hội chợ Triển lãm Đồ gỗ High Point vào cuối tháng 4 vừa qua tại North Carolina, Hoa Kỳ.
- Vậy theo ông, các biện pháp phòng vệ thương mại của những thị trường lớn như Hoa Kỳ có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp gỗ và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan? Nếu có, U&I Logistics đã có những biện pháp gì để ứng phó với tình hình trên?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỉ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành, cho nên các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đối với nhóm hàng liên quan đến sản phẩm gỗ nội thất của Việt Nam như: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood), tủ bếp và tủ nhà tắm (wooden cabinets & vanities), ghế sofa có khung gỗ (seats with wooden frames, upholstered) có ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp gỗ và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan.
Theo tôi, các ảnh hưởng này mang tính tích cực hơn là tiêu cực, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, uy tín và chuyên nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp này, các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ như những lời nhắc nhở, khuyến cáo, nếu không phạm phải và tuân thủ đầy đủ thì sẽ được hoan nghênh. Nếu doanh nghiệp nào bị nghi ngờ và đưa vào diện lẩn tránh thuế chống bán phá giá một cách thiếu cơ sở thì nên có phản biện, giải trình với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) càng sớm càng tốt, càng nhanh càng có lợi, vì ngoài việc minh oan chúng ta còn thể hiện sự hợp tác tốt với họ.
Năm 2022, U&I Logistics chúng tôi từng bị DOC đưa vào danh sách các doanh nghiệp vi phạm quy định phòng vệ thương mại, gần như ngay lập tức chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng, kết hợp với việc giải trình rõ ràng, đầy đủ thông qua website của DOC. Kể từ đó U&I Logistics không còn bị DOC nhắc đến trong những danh sách vi phạm kế tiếp. Qua sự cố này chúng tôi ý thức rõ hơn về luật chơi của Hoa Kỳ, từ đó xây dựng lại quy trình làm việc chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.
- Là nhà cung cấp dịch vụ kho ngoại quan lớn và chuyên nghiệp tầm cỡ khu vực, vậy U&I Logistics có chính sách tạo thuận lợi, ưu đãi nào cho các doanh nghiệp gỗ ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu khi sử dụng kho ngoại quan của doanh nghiệp trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics cho ngành gỗ như khai báo hải quan, vận tải, đặc biệt là kho ngoại quan nên U&I Logistics khá hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng, qua đó luôn tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho họ để biến hệ thống kho ngoại quan của mình thành các trung tâm phân phối đáng tin cậy của họ tại khu vực châu Á thay vì đặt tại Hoa Kỳ hay châu Âu. Để làm được điều này chúng tôi luôn đảm bảo các yếu tố sau:
- Chi phí logistics thấp hơn tại Mỹ hoặc châu Âu. Bằng cách luôn cải tiến quy trình, nâng cao năng suất, áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động để giảm giá thành, nên giá dịch vụ của U&I Logistics đủ để thỏa mãn mong muốn của khách hàng.
- Chuỗi cung ứng hàng hóa luôn được đảm bảo tại các công đoạn từ nhà cung cấp đến kho ngoại quan U&I và từ kho ngoại quan U&I đến tay người mua ở nước ngoài.
- Hàng hóa luôn được bảo quản trong điều kiện phù hợp nhất bằng hệ thống kiểm soát độ ẩm với mức dưới 65% tại mọi thời điểm, mọi vị trí trong kho; côn trùng được kiểm soát định kỳ; nhà kho được vệ sinh liên tục.
- Hàng hóa được lưu giữ trong điều kiện an ninh theo quy định về C-TPAT. Các kho ngoại quan của U&I Logistics đạt được tiêu chuẩn này từ năm 2009 và duy trì cho đến hiện nay. Điều này đã hỗ trợ khách hàng rất lớn trong việc giảm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu của Hoa Kỳ.
- Truy xuất dữ liệu nhập xuất tồn theo thời gian thực (real time) bằng phần mềm WMS tự xây dựng, vừa đáp ứng đúng nhu cầu của chính công ty vừa hỗ trợ khách hàng theo dõi hàng tồn kho và luồng hàng đang trong chuỗi cung ứng mọi lúc, mọi nơi.