CIFA 41: Kết nối, hợp tác và hướng đến chuỗi cung ứng ngành da giày hiệu quả
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 17:32, 09/07/2024
Tại Hội nghị lần này các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất và thị trường kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu của ngành hàng này đã được lãnh đạo các hiệp hội của 17 nước thành viên CIFA và gần 200 doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu thuộc hội viên LEFASO và các nước tham gia trình bày, nêu các ý kiến và giải pháp phát triển.
Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xác Việt Nam (LEFASO) đồng thời cũng là đương kim Chủ tịch CIFA năm 2024 cho rằng, chuỗi cung ứng ngành da giày toàn cầu hiện nay đang gặp nhiều thách thức, chịu tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột địa chính trị, cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn và các chính sách khác biệt giữa các quốc gia đối với ngành sản xuất – xuất khẩu mặt hàng da giày.
Ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, những thách thức và trở lực này đã làm thay đổi các cấu trúc và phương thức sản xuất kinh doanh của ngành da giày thế giới. Do vậy, ông Thuấn kêu gọi lãnh đạo các hiệp hội da giày, doanh nghiệp ngành da giày trong tổ chức CIFA và thế giới cần tăng cường hợp tác, tạo ra các kết nối kịp thời, hiệu quả để ổn định chuỗi cung ứng hướng đến phát triển bền vững theo xu hướng chung trong nền kinh tế toàn cầu.
Tại Hội nghị CIFA lần thứ 41 – 2024 này, Chủ tịch CIFA/ LEFASO, Chủ tịch TBS GROUP Nguyễn Đức Thuấn cũng đưa ra đề nghị rằng, ngành thời trang da giày thế giới cần mạnh dạn thay đổi để theo kịp thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng toàn cầu. Và như thế, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi – hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mĩ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối.
Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng quan tâm và đề nghị lãnh đạo và diễn giả các nước tham dự CIFA lần thứ 41 lần này chia sẻ với Hội nghị các vấn đề về luật đầu tư, các chính sách cụ thể đối với hoạt động sản xuất - xuất khẩu, về nguồn lực lao động tiền lương, thuế, logistics… của các nước để mọi người có thông tin, hiểu được những tương đồng và khác biệt giữa các nước trong ngành sản xuất da giày, từ đây có thể tạo ra môi trường hợp tác đầu tư giữa các nước trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham dự Hội nghị đã nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế đã đến Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị CIFA lần thứ 41 lần này. Bà Thắng khẳng định rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương Việt Nam luôn quan tâm và đánh giá rất cao vai trò của ngành da giày – túi xách và dệt may của Việt Nam đối với nền kinh tế của Việt Nam. Bà Thắng cũng cho rằng Theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa trong chiến lược phát triển ngành giày dép Việt Nam đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2035 trong đó xác định giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia, với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới.
Năm 2023 vừa qua mặc dù ở trong bối cảnh kinh tế chung có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày - túi xách của Việt Nam đã đạt hơn 24 tỷ USD".
Bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đặt kỳ vọng đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách sẽ đạt 38 - 40 tỷ USD và đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển một số thương hiệu khu vực và thế giới.
Ông Allen Lai - Tổng Thư ký CIFA đã đánh giá cao công tác tổ chức và nội dung thông tin, đối tượng khách mời tham dự Hội ngị CIFA lần thứ 41 mà Lefaso - Việt Nam là nước chủ nhà đã tổ chức rất chu đáo, chuyên nghiệp. Ông Allen Lai cũng cho rằng, không riêng gì Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác cũng vậy, ngành da giày đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ do những biến động từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan của ngành.
Ông Allen Lai cũng thừa nhận rằng chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành da giày thời gian qua gặp nhiều “sóng gió”, trong đó nổi lên các vấn đề như nguồn lực lao động, chi phí sản xuất và dịch vụ logistics cao, khan hiếm nguyên phụ liệu, và cả các vấn đề về thuế quan ở các thị trường xuất nhập khẩu, vấn đề chuyển đổi số và đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất.
Tại hội nghị, ông Allen Lai - Tổng Thư ký CIFA cũng kêu gọi các lãnh đạo ngành đoàn kết, quyết tâm đổi mới để vượt qua các thách thức và theo kịp các xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng đối với ngành hàng thời trang da giày.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Lefaso và các doanh nghiệp thành viên đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển ngành nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã - học tập theo mô hình Trung Quốc và các nước tiên tiến nhằm hướng đến hoạt động sản xuất phát triển bền vững của ngành da giày – túi xách Việt Nam theo tinh thần của Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Top 10 quốc gia sản xuất giày dép hàng đầu
Hạng |
Quốc gia |
Triệu đôi |
Thị phần thế giới |
1 |
Trung Quốc |
13,047 |
54.6% |
2 |
Ấn Độ |
2,600 |
10.9% |
3 |
Việt Nam |
1,300 |
5.4% |
4 |
Indonesia |
1,026 |
4.3% |
5 |
Brazil |
849 |
3.5% |
6 |
Thổ Nhĩ Kỳ |
582 |
2.4% |
7 |
Pakistan |
519 |
2.2% |
8 |
Bangladesh |
467 |
2.0% |
9 |
Mexico |
205 |
0.9% |
10 |
Campuchia |
202 |
0.8% |
Nguồn: LEFASO
Nhận định về cơ hội phát triển của ngành da giày túi xách Việt Nam, lãnh đạo LEFASO cho rằng, vai trò và dư địa phát triển của ngành này còn rất lớn. Thứ nhất, dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế Việt Nam hiện vẫn được xem là quốc gia an toàn và có nhiều lợi thế để đầu tư. Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu. Thứ ba, Việt Nam hưởng lợi từ việc tái cấu trúc nhiều chuỗi cung ứng lớn trên thế giới. Và, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ 4, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Dự báo xuất khẩu giày da - túi xách của Việt Nam năm 2024
Kịch bản |
Kim ngạch xuất khẩu |
Tăng/giảm (%) |
Tốt |
27 tỷ USD |
+ 10% |
Trung bình |
25,6 tỷ USD |
+ 6% |
Nguồn: LEFASO