"Tự sự học hậu kinh điển", một diện mạo mới từ cách tiếp cận các lí thuyết nghiên cứu văn học
Đào tạo - Ngày đăng : 17:17, 15/07/2024
Lí luận phê bình trên thế giới hiện nay không xuất hiện những lí thuyết hoàn toàn mới mà phát triển đa dạng với nhiều khuynh hướng khác nhau, đặc biệt chú trọng đến sự hợp nhất giữa các ngành nghiên cứu và sự tương tác, kết hợp trong phương pháp tiếp cận. Tự sự học cũng nằm trong xu thế đó. Nó đã vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” vào những năm 90 của thế kỷ XX ở phương Tây và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều ngả rẽ khác nhau trong sự kết hợp giữa phương pháp tiếp cận hình thức (formal approach) của tự sự học cấu trúc luận (structuralist narratology) hay tự sự học kinh điển (classical narratology) và phương pháp tiếp cận ngữ cảnh (contextual approach), đề cao nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành và được gọi bằng một thuật ngữ chung là Tự sự học hậu kinh điển (Postclassical narratology).
Những thập niên đầu thế kỷ XXI được nhìn nhận như một giai đoạn phát triển chưa từng có đối với nghiên cứu truyện kể và việc kể chuyện. Sự hợp nhất, kết hợp của phương pháp tiếp cận tự sự học hậu kinh điển trong xu hướng nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành và đa ngành hình thành một hệ hình mới trong nghiên cứu văn chương và đưa tự sự học trở thành một lĩnh vực phát triển theo kiểu “chủ nghĩa bành trướng” (expansionism).
Nếu như trước đây tự sự học kinh điển được nhìn nhận như một lĩnh vực chuyên biệt của các học giả cấu trúc luận, hướng đến việc tìm kiếm, xác định và phân loại những mô hình và cấu trúc phổ quát của các văn bản truyện kể, thì tự sự học hậu kinh điển quan tâm đến cả những truyện kể phi văn bản/lời nói, các phương tiện nghe-nhìn, ngữ cảnh văn hóa và lịch sử của truyện kể.
Tự sự học lấn tràn sang các lĩnh vực khác ngoài văn chương, hay nói đúng hơn, người ta nhìn thấy tự sự và dấu vết của nghệ thuật kể truyện hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực khoa học nhân văn, thậm chí ở cả những lĩnh vực nghiên cứu mà kết quả nghiên cứu của nó chủ yếu dựa trên nền tảng khoa học chính xác hoặc những khảo sát thực tế xác thực như khoa học máy tính, ngành trí tuệ nhân tạo, ngành sử học, dân tộc học, khảo cổ học…vv. Hơn thế, tự sự học hậu kinh điển không chỉ mở rộng đối tượng tự sự mà còn hướng cả đến việc tích hợp các phương pháp tiếp cận của các ngành khác nhau để làm giàu cho phương pháp tiếp cận của từng lĩnh vực nhất định.
Tự sự học hậu kinh điển hiện đang tồn tại với nhiều mô hình phân loại khác nhau và việc định hình cũng hết sức bề bộn, phức tạp và có nhiều chồng chéo, song nó vẫn phát triển với những thành tựu chưa từng có. Phương pháp tiếp cận của tự sự học hậu kinh điển có thể nhìn thấy những hướng đi khá cụ thể. Một là, căn cứ vào mục tiêu “khai thác những khả năng của mô hình cũ” (D. Herman), tự sự học hậu kinh điển trước hết xuất phát từ việc xem xét lại chính hệ hình tiếp cận kinh điển, tập trung vào những điểm mù (blind spots), những khoảng cách (gaps) và sự không xác định của hệ hình chuẩn để đào sâu vào những vấn đề đã được khơi lên từ giai đoạn kinh điển, trong đó đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa những thông tin, hiệu ứng của văn bản tự sự với hoạt động tri nhận của người đọc. Hai là, được nhìn nhận như một hiện tượng kí hiệu học “vượt qua các chuyên ngành và phương tiện” (D. Herman, 2005), tự sự học ở giai đoạn hậu kinh điển mang đặc trưng đa bội (multiplicities), liên ngành (interdisciplinaries) và xuyên phương tiện (transmediality).
Tóm lại, có thể nhận thấy, tự sự học đã có một sự chuyển đổi cực kì rộng lớn và mạnh mẽ. Phương pháp tiếp cận mở rộng và hợp nhất đem lại một diện mạo mới cho ngành tự sự học nói riêng và các lí thuyết nghiên cứu văn học nói chung.
Công trình dịch thuật này là một trong những nỗ lực bước đầu của nhóm các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề tự sự học hậu kinh điển ở Việt Nam, muốn chuyển tải thông điệp của một hệ hình nghiên cứu mới trong văn học những thập niên đầu thế kỷ XXI với hi vọng tiệm cận với những khuynh hướng phát triển gần đây của thế giới.
Trong giới hạn cho phép chúng tôi đã tuyển chọn nhưng công trình mang tính kinh điển đại diện cho mỗi khuynh hướng tự sự hậu hiện đại của phương Tây (qua nguồn Anh ngữ), bên cạnh đó cũng tuyển dịch một số công trình nghiên cứu về tự sự học hậu kinh điển của các tác giả Trung Quốc - một trung tâm văn hóa lớn ở phương Đông, để hướng đến một cái nhìn đa chiều hơn về sự phát triển của tự sự học hậu kinh điển cũng như ảnh hưởng của nó trên thế giới.
Xin trân trọng giới thiệu ấn phẩm này đến với quý độc giả, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên các trường đại học và cao đẳng, cũng như những người yêu mến văn chương. Trong quá trình dịch thuật, mặc dù nhóm chuyển ngữ đã nắm chắc tinh thần của các văn bản lí thuyết, tiến hành hiệu đính, đọc chéo và sửa chữa, tuy nhiên, chắc chắn khó tránh khỏi những khiếm khuyết. Vì vậy chúng tôi vô cùng cảm kích nếu nhận được bất cứ ý kiến phản hồi nào của quý độc giả.
Mọi góp ý xin được gửi đến địa chỉ email: caokimlanvvh@gmail.com.