Cổ phiếu ngân hàng tăng nóng trong 3 tháng qua

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970

(VLR) EIB đứng đầu danh sách tăng mạnh trong 3 tháng qua với mức tăng 44,76%, tiếp theo là STB và CTG.

Sự kiện Eximbank gửi văn bản đến Sacombank yêu cầu bầu lại ban lãnh đạo với lý do đại diện nhóm cổ đông nắm 51% cổ phần có thể coi là điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động sáp nhập, mua bán trong lĩnh vực ngân hàng, được dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2012.

Hiện có 9 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ có 3 cổ phiếu có mức giá trên 20.000 đồng, 3 cổ phiếu trên mệnh giá một chút và 3 cổ phiếu dưới mệnh giá. Tỷ lệ EPS bình quân của 9 ngân hàng này là 2.300 đồng, trong khi P/E là 6,8 lần. Đây có thể coi là một mức giá hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư “sừng sỏ”, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm nóng của thị trường trong thời gian gần đây. Ảnh: VnExpress

Nhắc đến thâu tóm, người ta sẽ phải nghĩ đến cảnh nhà đầu tư gom cổ phiếu, đẩy khối lượng giao dịch tăng mạnh, đi kèm với đó là giá tăng. Như trường hợp STB, thông tin thâu tóm cổ phiếu này đã được nhắc đến từ khá lâu và khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng giá 36,11% giá trị (tính từ 1/12/2011 đến 24/2/2012), tổng khối lượng giao dịch tăng vọt lên 112,35 triệu đơn vị. Tuy nhiên, nếu tính chênh lệch giữa mức đỉnh và đáy trong 3 tháng qua thì cổ phiếu này đã tăng tới 59,85% giá trị.

Nhưng nếu theo dõi tổng khối lượng giao dịch 3 tháng qua, nhà đầu tư có thể thấy STB chưa phải là quán quân. Ngôi đầu bảng phải kể đến cổ phiếu có thị giá nhỏ nhất là HBB, với hơn 120,6 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng, đặc biệt tập trung trong khoảng 10 phiên trở lại đây.

Theo thống kê, trong vòng 3 tháng qua, các cổ phiếu ngân hàng đã có sự tăng nóng (ngoại trừ NVB chủ yếu đi ngang). Đứng đầu danh sách tăng mạnh trong 3 tháng qua là EIB với mức tăng 44,76% (từ 1/12/2011 đến 24/2/2012), tiếp theo là STB và CTG. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư bắt đúng đáy, cổ phiếu đem lại nhiều lợi nhuận nhất phải kể đến STB (59,85%), CTG (56,52%) và SHB (51,85%).

Riêng trường hợp của HBB, cổ phiếu này đã giảm 42,5% từ mức 5.700 đồng vào đầu tháng 12/2011 xuống mức đáy 4.000 đồng đầu tháng 1/2012 trước khi bật tăng trở lại mức 5.200 đồng cuối tuần qua. Nguyên nhân cổ phiếu này tăng mạnh được nhiều người lý giải do có thông tin sắp bị thâu tóm, sáp nhập với ngân hàng khác.

Một nhà đầu tư chia sẻ, mặc dù xung quanh cổ phiếu HBB của Habubank có nhiều đồn đoán xấu, nhưng ông vẫn mua vào ở mức giá 4.200 đồng và bây giờ đang hưởng lợi. “Hãy chỉ cho tôi một ngân hàng có giá cổ phiếu dưới 7.000 đồng mà vẫn vận hành bình thường, thu lời tốt. Tôi chắc là rất khó và có vẻ thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhận ra điều ấy”, vị này khẳng định.

Rất nhiều người mua vào cổ phiếu HBB với kỳ vọng, nó sẽ đem lại lợi nhuận như thương vụ STB. Anh Tùng, một nhà đầu tư chia sẻ: “Nếu HBB bị thâu tóm và giá cổ phiếu tăng tới hơn 60% như STB, tôi sẵn sàng mạo hiểm để đầu tư. Tin xấu chỉ xấu khi chưa công bố. Một khi đã công bố, tất cả đều biết, và mọi việc phải tiếp tục diễn ra theo quy luật của nó, thì không còn tệ hại gì nữa!”

Theo bảng giá OTC của một vài công ty chứng khoán, có thể thấy giá nhiều cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết đang ở mức dưới mệnh giá. Và như một chuyên gia tài chính đã chia sẻ: “Có lẽ, chưa có bao giờ cổ phiếu ngành này lại rẻ như hiện nay, đây là cơ hội cho những nhà đầu tư lớn thâu tóm ngân hàng, nhất là khi việc thành lập nhà băng mới chẳng dễ tý nào!”