Giải pháp tiếp cận nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 16:05, 02/08/2024

Nguồn tài chính xanh có vai trò rất quan trọng để cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo hướng thực hành ESG. Tại hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững”, đại diện BIDV đã đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh.
ha-bidv-02082024.png
Bà Phạm Minh Châu – Phó giám đốc Ban Chính sách sản phẩm Bán buôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trình bày tại hội thảo

BIDV là ngân hàng tiên phong trong xây dựng chiến lược và thực hành ESG, kiên định theo đuổi mục tiêu trở thành “ngân hàng xanh” trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.

Tại thời điểm 30/6/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt 75.459 tỷ đồng chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV, tăng 1.282 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Số lượng khách hàng nhận được tài trợ tín dụng xanh là 1.739 khách hàng với 2.117 dự án/phương án xanh.

Danh mục tài chính xanh của BIDV đa dạng với các sản phẩm tín dụng xanh (gói dệt may xanh là 4.200 tỷ, gói công trình xanh là 10.000 tỷ, gói cho vay mua xe ô tô điện là 3.500 tỷ, các lĩnh vực xanh theo phân loại của NHNN, cho vay phát triển cây trồng...), Trái phiếu xanh, Tiền gửi xanh, Tài trợ thương mại xanh. Các sản phẩm đều được xây dựng dựa trên các Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu xanh, Khung ESMS trong hoạt động tài trợ thương mại do BIDV ban hành. Đây là các Khung tiêu chuẩn được BIDV xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo, bà Phạm Minh Châu – Phó giám đốc Ban Chính sách sản phẩm Bán buôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh. Trong đó, doanh ngiệp cần phải có lộ trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu bền vững gồm 8 bước:

1. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh

Nắm vững các quy định và tiêu chuẩn ESG mà đối tác và thị trường đang áp dụng, các luật hiện hành phải tuân thủ.

Đánh giá lại hoạt động kinh doanh hiện tại để xác định mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn ESG và những lỗ hổng cần điều chỉnh.

Phát triển hoặc cập nhật chính sách và quy trình, lồng ghép các yếu tố ESG, bao gồm các biện pháp để đảm bảo tuân thủ và đánh giá hiệu quả.

2. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và mục tiêu rõ ràng trong phát triển bền vững

Xác định rõ vai trò và xu hướng tất yếu của ESG trong chiến lược tổng thể.

Tích hợp ESG vào mục tiêu và chiến lược kinh doanh trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lộ trình chuyển đổi trên cơ sở cân đối nguồn lực của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp cần hoàn thiện và minh bạch mô hình tổ chức và hệ thống quản trị ESG

Quy định trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp trong giám sát và triển khai.

4. Doanh nghiệp cần tăng cường sự minh bạch, báo cáo và công bố thông tin

Khả năng báo cáo: Báo cáo phát triển bền vững định kỳ, Báo cáo kiểm kê khí nhà kính, công khai các thông tin về sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm...

Xây dựng công cụ số hoá, lưu trữ, khai thác dữ liệu.

Tiêu chuẩn báo cáo: GRI, SASB, CDSB, ISO, IR, TCFD…

Công bố báo cáo: Công khai, dễ tiếp cận và tra cứu.

5. Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ

Gia tăng đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch, đổi mới sáng tạo và số hóa trong sản xuất và quản lý. Ưu tiên các sáng kiến về công nghệ trong nước để tối ưu chi phí.

6. Doanh nghiệp cần hợp tác và tìm kiếm hỗ trợ từ đối tác và tổ chức bên ngoài

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các Định chế tài chính, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, tư vấn chiến lược kỹ thuật và lộ trình chuyển đổi xanh. Ví dụ: Sử dụng sản phẩm TCBV của BIDV, thực hiện ESG Rating, tham gia các chương trình tư vấn hỗ trợ của IFC.

7. Doanh nghiệp cần đào tạo và nâng cao nhận thức về ESG

Đào tạo nhận thức cho lãnh đạo và nhân viên về ESG và trách nhiệm thực hành ESG.

8. Doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ với cộng đồng và các bên liên quan

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng địa phương, người lao động và các bên liên quan khác.

Minh Anh