Doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ áp dụng công nghệ cao

Công nghệ - Ngày đăng : 07:50, 23/08/2024

Theo Báo cáo ứng dụng công nghệ trong kinh doanh 2024 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng được thực hiện gần đây của CPA Australia, tỉ lệ ứng dụng chiến lược số vào chiến lược tổ chức chung của các doanh nghiệp Việt cao hơn so với những doanh nghiệp ở các thị trường khác trong khu vực.
ha-2-cong-nghe-22082024.png
Nhiều doanh nghiệp Việt đang ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài công nghệ bằng cách đào tạo lại nhân viên hiện tại và đầu tư vào tự động hóa

Có tới 74% người được khảo sát từ Việt Nam cho biết doanh nghiệp hoặc lãnh đạo của họ đã áp dụng chiến lược số vào hoạt động kinh doanh, cao hơn nhiều so với mức trung bình 63% của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này góp phần cải thiện mức độ vận dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt và mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao sự hài lòng của nhân viên và củng cố an ninh mạng.

Bà Priya Terumalay FCPA - Trưởng đại diện Khu vực Đông Nam Á của CPA Australia, cho biết: “Cải thiện kết quả kinh doanh quan trọng hơn nhiều so với sự băn khoăn trong quyết định áp dụng công nghệ, dù chi phí tài chính và lợi tức đầu tư thấp vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ”.

Có tới 98% doanh nghiệp Việt Nam cho biết lợi ích chính từ việc đầu tư vào ứng dụng công nghệ là sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động kinh doanh, 91% nhận thấy an ninh mạng được tăng cường và 87% thừa nhận sự nâng cao trong trải nghiệm của khách hàng.

“Các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng tính chính xác, bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu tài chính mà họ sở hữu”, bà Priya khẳng định. Thực tế, gần 3/4 doanh nghiệp coi đây là yếu tố cốt lõi nhất. Bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu là yếu tố thiết yếu đối với danh tiếng của doanh nghiệp và chất lượng dữ liệu rất quan trọng đối với hiệu quả của AI và các công nghệ khác.

Một trong những rào cản chính đối với việc áp dụng công nghệ ở Việt Nam là tình trạng thiếu hụt nhân tài công nghệ. “Nhiều doanh nghiệp Việt đang giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài công nghệ bằng cách phát triển và đào tạo lại nhân viên hiện tại và đầu tư vào tự động hóa thay vì tuyển thêm nhân viên mới”, bà Priya cho biết thêm.

46% các người được khảo sát nói rằng họ đã đầu tư vào việc nâng cao năng lực công nghệ của đội ngũ mình, gồm cả hội đồng quản trị, mức này cao hơn mức trung bình của khu vực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vốn chỉ là 40%.

Gần 8 trên 10 doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ đã sử dụng AI trong 12 tháng qua, tiếp tục cao hơn mức trung bình của khu vực là 69%. Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp chỉ sử dụng AI trong một số thời điểm nhất định, điều này có thể sẽ thay đổi trong 12 tháng tới khi các doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng sử dụng công nghệ AI phổ biến hơn.

Bà Priya kết luận: “Việc các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách tăng cường sử dụng AI là điều hoàn toàn bình thường. Hầu hết mọi người khi dùng AI đều nhận thấy lợi ích của nó trong việc cải thiện hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng năng suất, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại và cải thiện độ chính xác của các tác vụ đó”.

“Sự thay đổi diễn ra ở khắp mọi nơi tại Việt Nam khi ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư được rót vào. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và cải thiện năng lực của mình để tận dụng bối cảnh và công nghệ này, AI và an ninh mạng là những yếu tố cơ bản mà doanh nghiệp cần phải hiểu được và áp dụng cho công việc kinh doanh của mình”.

Tiến Anh