Tiếng vọng từ “Người đồng thời”!

Văn hóa - Ngày đăng : 07:25, 21/09/2024

Nữ sỹ Bích Liên cứ lặng lẽ sống, lặng lẽ chiêm nghiệm và sáng tác, rồi đều đặn vài năm lại thấy xuất bản một ấn phẩm thơ! Tập thơ này đã là ấn phẩm thơ thứ 09 trong hành trình sáng tạo nghệ thuật thi ca của chị!

Thơ ca vốn là nơi mà ở đó cái lạ, cái mới, luôn khiến cho người ta chú ý và suy ngẫm. Bởi vậy, cái tên Người đồng thời đã dẫn tôi vào những cung thơ của nhà thơ Trần Thị Bích Liên dựng lên trong ấn phẩm này! Thơ chị vốn đã rất quen thuộc với bạn đọc, nhất là những người yêu thơ ở Thành Nam trong vài mươi năm trở lại đây. 

z5836631187398_265280d769593240c5fb0995ac999b56.jpg
Nhà thơ Trần Thị Bích Liên

Thơ Trần Thị Bích Liên được định hình trong mấy chục năm qua là những trang thơ mang sứ mệnh chia sẻ, tương tác và giải tỏa những ẩn ức trong góc khuyết của kiếp người. Những trang thơ của chị luôn thường trực và lan tỏa một nguồn năng lượng rất tích cực, năng lượng ấy được tạo ra từ cảm xúc, từ sự nhân ái, vị tha của người viết! Để làm được điều ấy, đòi hỏi người viết phải có một tư duy thơ sâu sắc, tư duy ấy dẫn động và điều phối cảm xúc đi đúng luồng đúng mạch để tạo ra tư tưởng nhất quán xuyên suốt những mạch thơ của mình! Đấy chính là tính hệ thống, là sự chuyên nghiệp rất cần có trong mỗi nhà thơ!

Tập thơ Người đồng thời là một ấn phẩm được dựng lên bằng sự tri âm, đồng vọng của nữ sỹ với những tâm hồn văn nghệ sỹ sống cùng thời của tác giả! Cái tên Người đồng thời, nghe là lạ, nhưng lại rất quen, rất minh triết, thì đấy, “đồng thời” cũng như “đồng hương”, “đồng môn”, “đồng ngũ”, “đồng niên”, “đồng liêu”, “đồng tuế” vậy. Nhưng hiển nhiên, nội hàm của cụm từ Người đồng thời trong thơ Trần Thị Bích Liên thì rộng lớn hơn rất nhiều, bởi những chìm nổi, những vui buồn của một thời nhập vào ý tứ thơ, mới làm nên gương mặt những “người đồng thời” trong kiếp chữ!

Nguồn mạch chủ đạo để làm nên hồn vía của tập thơ này là những trang thơ tâm giao đồng vọng cùng giới văn nghệ sỹ. Bên cạnh đó là những trang thơ mang cảm thức tươi mới của tác giả về con người, về cuộc sống và non nước hôm nay.


Đọc Người đồng thời, ta gặp nhiều bóng dáng văn nhân trong những cung thơ đồng vọng của tác giả. Trong ấy có khá nhiều những câu thơ hay chị viết về giới văn nghệ sỹ của miền Sơn Nam Hạ.
Đây, những câu thơ chị viết về nhà thơ – thầy giáo Trần Văn Lợi của quê lúa Nghĩa Hưng, người nổi tiếng với những bài thơ về một miền châu thổ:

Dắt lưng làm vốn tháng Mười
Được mùa ngô, lúa nên người trả công
Trả cho trời biển Rạng Đông
Nơi thầy giáo trẻ vun trồng tương lai.

(Nụ cười thơ).

Còn đây là chân dung nhà thơ Lê Văn Hy tuổi ngoại bát tuần, được nữ sỹ Bích Liên thu vào bốn câu thơ trong trẻo, thuần hậu, đúng như con người và cốt cách văn chương của ông:

Tuổi ngoại bát tuần vẫn sáng trong
Nhìn đời mắt ngọc gió mây bồng
Hóa thân hồn chữ nâng niu vỗ
Vẫn khát tình em say núi sông.

(Về Lê Xá).

Làm thơ, hướng cảm xúc thơ của mình về những người làm văn chương nghệ thuật cùng thời với mình, ngỡ như dễ dàng, nhưng nếu không chạm được cái chất văn chương đặc trưng của nhân vật mà mình tri âm và tương tác, thì tác phẩm rất khó để lại được ấn tượng nơi người đọc. Mời đọc những câu thơ tác giả viết về nhà văn Mai Tiến Nghị - Một cây bút văn xuôi xuất sắc của miền Sơn Nam Hạ.

Anh như xôi đỗ chấm vừng
Nếp mùa thùng đấu đã từng lên hương
Anh như cơm nắm chiến trường
Mo cau mẹ gói gió sương hồn làng!

(Vừng kể chuyện).

Còn đây là những cây thơ viết về Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc (quê đồng chiêm trũng Ý Yên), trong một canh hát văn chay giữa biển trời Đà Nẵng:

Không đàn, trống, nhị buông lơi
Hát chay cân cả đất trời… ngả nghiêng.

Trong tôi cháy bỏng ước mong
Mượn vai làn điệu – đời không lạc đường

(Được mùa thóc tám lên hương).

z5836631045359_e630b146a9756eb2f4bd6e969eb012f3.jpg
Người đồng thời là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Trần Thị Bích Liên

Việc khắc họa chân dung hay tri âm đồng vọng cùng tác phẩm của các văn nghệ sỹ là một việc rất nên làm, bởi đấy là cách mà người văn trọng người văn rất thiết thực. Xưa nay, đã nhiều nhà văn, nhà thơ bỏ tâm huyết để viết về những gương mặt văn chương mà mình tâm đắc! Như vừa xuất bản mới đây nhà thơ, TS. Trần Đăng Thao với tập thơ Độc hành, nhà thơ Đỗ Xuân Thu với tập thơ Tung cánh thơ bay, cũng lấy ý tưởng và cảm xúc từ tác phẩm, cốt cách của những văn nghệ sỹ ở thời nay!

Trong Người đồng thời, mảng thơ viết về con người, cuộc sống và non nước hôm nay vẫn mang những cảm thức thơ tươi mới, trong trẻo và đầy tin yêu của chị! Xin được dẫn ra vài lát thơ trong trẻo ấy:

Tâm hồn nuôi dưỡng ước mơ
Thời gian có đợi có chờ ai đâu
Thanh Trì ơi mãi bên nhau
Cho tôi ở trọ trong câu hẹn ngày.

(Cho tôi ở trọ Thanh Trì).

Vị Xuyên tâm nhang cháy đỏ

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai”
Tay đốc cuốn thư cuộn sóng
Chảy về nguồn cội sớm mai.

(Thoi dệt – cồng chiêng).

Đọc thơ Trần Thị Bích Liên trong vài chục năm trở lại đây, với nét đặc trưng là sự trong trẻo, hồn hậu trong ngôn ngữ và tư duy thơ, đã định hình thành một lối viết riêng của chị. Điều đặc biệt là những trang thơ trong trẻo, hồn hậu và nhân bản ấy, lại được sinh ra từ tâm hồn của một nữ sỹ đã một mình đi qua bao nổi chìm thăm thẳm. Thấu cảm cả với thơ và đời của chị, mà nữ sỹ Đặng Nguyệt Anh mới viết những câu thơ về chị thế này:

Chân trời em bao nhiêu dự cảm
Xanh nõn hồn thơ đừng ngại muộn màng
Ta hạnh phúc trong vòng tay bầu bạn
Để suốt đời thương nhớ mãi Thành Nam.

(Đặng Nguyệt Anh – Gửi Bích Liên)

Ấn phẩm Người đồng thời của nhà thơ Trần Thị Bích Liên trước hết là một tác phẩm tri âm và lan tỏa những gương mặt văn nghệ sỹ của miền quê Nam Định. Đó là sự đồng vọng, tri âm và lan tỏa vô cùng có ý nghĩa những tiếng văn chương từ một cõi quê với văn giới và bạn đọc.

Đọc Người đồng thời, trân trọng lắm cái mạch chữ được sinh ra từ một mạch đời luôn biết lặng lẽ lọc mình giữa bể phù sinh, để đọng lại ở miền thơ là những trong trẻo và nhân hậu!

Hà Nội 09/2024

Nguyễn Thế Kiên