Giá cước giao ngay giảm chậm, nhưng giá hợp đồng vận tải biển dài hạn tăng vọt

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:36, 23/09/2024

Giá cước vận tải container giao ngay trên các tuyến thương mại chính đông-tây tiếp tục giảm trong tuần này, mặc dù tốc độ giảm đã bắt đầu chững lại, với mức giảm chỉ ở một chữ số; tuy nhiên, giá của một số hợp đồng vận tải biển dài hạn lại tăng vọt.
aerial-view-container-cargo-ship-sea-1-.jpg
Giá cước giao ngay giảm chậm, nhưng giá hợp đồng vận tải biển dài hạn tăng vọt

Mức giảm lớn nhất được ghi nhận trên tuyến thương mại châu Á - Bắc Âu: theo chỉ số World Container Index hàng tuần của Drewry, chặng vận chuyển từ Thượng Hải đến Rotterdam giảm 9% so với tuần trước, xuống còn 4.682 USD cho mỗi container 40ft, mặc dù con số này vẫn cao gần 300% so với cùng thời điểm năm ngoái, khi giá cước lao dốc và các hãng vận tải hứng chịu thua lỗ.

Chỉ số Xeneta XSI cho giá cước ngắn hạn tuyến Á - Âu tuần này đạt 5.424 USD cho mỗi container 40ft, giảm 15% so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, theo phân tích mới từ nhà nghiên cứu vận tải biển của Xeneta, Emily Stausboll, mặc dù giá cước giao ngay giảm trong vài tháng qua, thị trường giá cước hợp đồng dài hạn đang có xu hướng khác.

Từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 18 tháng 9, giá cước ngắn hạn trên tuyến Viễn Đông đến Bắc Âu theo chỉ số XSI giảm 29%, từ 8.130 USD cho mỗi container 40ft xuống còn 5.755 USD.

Tuy nhiên, một số tuyến vận tải lại hoàn toàn đi ngược lại xu hướng này khi xét đến giá cước hợp đồng dài hạn. Ví dụ, giá cước dài hạn trung bình do Xeneta ghi nhận trên tuyến Việt Nam - Rotterdam gần như tăng gấp đôi, từ khoảng 2.000 USD mỗi container 40ft vào tháng 7 lên hơn 3.600 USD vào thời điểm hiện tại.

Vào tháng 12 năm ngoái, giá cước dài hạn trung bình trên tuyến Việt Nam - Rotterdam chỉ ở mức 1.300 USD mỗi container 40ft, cho thấy sự biến động đáng kể hơn so với dự đoán của thị trường dài hạn.

Nếu bạn là một nhà nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Rotterdam, có lẽ bạn sẽ không đồng ý với ý kiến cho rằng thị trường dài hạn giữ ổn định trong suốt năm 2024 trước khi bắt đầu tăng vào tháng 7,” Emily Stausboll, nhà phân tích vận tải biển của Xeneta cho biết".

Bà cũng nhận định rằng, thị trường hợp đồng dài hạn trên tuyến này đã bắt đầu tăng đáng kể từ tháng 1, với các đợt tăng tiếp theo vào tháng 2 và tháng 4. Sau một thời gian giảm nhẹ trong quý 2, thị trường đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 7.

Trong khi đó, tuyến Thượng Hải-Genoa của WCI giảm 6% so với tuần trước, kết thúc tuần này ở mức 4.928 USD mỗi container 40ft. Tuyến Thượng Hải-Los Angeles gần như không thay đổi, chỉ giảm 1% xuống còn 5.580 USD mỗi 40ft. Chỉ số XSI tuyến Viễn Đông - Bờ Tây Mỹ giảm 3%, xuống còn 6.137 USD mỗi 40ft, và tuyến Thượng Hải-New York của WCI giảm 4%, còn 6.364 USD mỗi 40ft.

aerial-view-cargo-ship-cargo-container-harbor-1-.jpg
Giá cước giao ngay vẫn giữ vững, tăng 2% trên tuyến Rotterdam-New York của WCI lên 2.056 USD mỗi container 40ft, và tăng 3,5% trên tuyến xuyên Đại Tây Dương của XSI, đạt 2.318 USD mỗi 40ft

Đối với các nhà xuất khẩu châu Âu trên tuyến xuyên Đại Tây Dương đến Bắc Mỹ, tuần này là cơ hội cuối cùng để vận chuyển hàng hóa trước khi Hiệp hội Lao động Bờ biển Quốc tế (ILA) có thể đình công vào ngày 1 tháng 10. Giá cước giao ngay vẫn giữ vững, tăng 2% trên tuyến Rotterdam-New York của WCI lên 2.056 USD mỗi container 40ft, và tăng 3,5% trên tuyến xuyên Đại Tây Dương của XSI, đạt 2.318 USD mỗi 40ft.

Xuôi về phía nam của tuyến xuyên Đại Tây Dương Bắc Âu - Bắc Mỹ, Xeneta cũng ghi nhận giá cước trên tuyến Bắc Âu - bờ đông Nam Mỹ giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục, với sự chênh lệch rất nhỏ giữa giá cước hợp đồng và giao ngay.

“Giá cước dài hạn và ngắn hạn trên tuyến này giảm xuống mức thấp lịch sử, lần lượt là 535 USD và 610 USD mỗi container 40ft,” bà Stausboll lưu ý.

Kiên Lê