Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 23/10/2024

Hội đủ các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, con người, xã hội, chính trị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được định hướng sẽ trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia trong tương lai.

Nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển

Tỉnh BR-VT được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, thềm lục địa rộng, nhiều khu vực nước sâu, nguồn tài nguyên biển phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước. Với những lợi thế đó, tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với các nhóm ngành cơ bản như: Du lịch biển; Cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển; Công nghiệp khai thác dầu khí; Công nghiệp và khu công nghiệp ven biển; Nuôi trồng và khai thác thủy sản.

picture1.png
Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng cạn Phú Mỹ 3. Ảnh Trà Ngân

Với ngành cảng biển và dịch vụ logistics, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh có luồng sâu tự nhiên, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có khả năng đón tàu trọng tải lớn đến 250.000 tấn (khoảng 24.000TEU). Trên toàn tỉnh hiện có 50 dự án cảng biển đang hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến cảng đạt 17.181m, tổng công suất thiết kế là 160 triệu tấn/năm; có 22 kho bãi và logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256 ha. Tính đến hết tháng 9.2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 12,07% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 68 triệu tấn, tăng 24,88% so với cùng kỳ.

Ngành du lịch, với khí hậu ôn hòa, nhiều bãi tắm đẹp, sản vật tự nhiên phong phú, BR-VT từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú du lịch tăng 19,61% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 39,68% so với cùng kỳ, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ước khoảng 4.108 ngàn lượt, đạt 85,72% kế hoạch và tăng 17,16% so với cùng kỳ; riêng khách quốc tế lưu trú đạt khoảng 203,7 ngàn lượt, đạt 91,34% kế hoạch, tăng 17,18% so với cùng kỳ.

Về phát triển công nghiệp ven biển, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 2 khu công nghiệp chuẩn bị đầu tư. Các khu công nghiệp này đều nằm ở những khu vực gần biển, có lợi thế tiếp cận cảng biển thuận tiện nhằm thu hút đầu tư.

Ngành công nghiệp khai thác dầu khí tại BR-VT có vai trò quan trọng hàng đầu, được xem là cái nôi của ngành. Ngoài ra, BR-VT cũng thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo với 07 dự án điện mặt trời nối lưới đã được đưa vào vận hành thương mại, có tổng công suất là 288MWp; đồng thời đang xem xét chủ trương đầu tư dự án điện gió công suất 102,6MW.

Định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2050 phấn đấu trở thành Trung kinh tế biển quốc gia. Mục tiêu cũng nhằm thực hiện theo đúng định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại quyết định số 1629/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ cũng đã đồng ý giao tỉnh thực hiện mục tiêu này.

picture2.png
Tân Cảng - Cái Mép, một trong những cảng có năng lực đón tàu trọng tải lớn thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: TCIT

Hiện nay, tỉnh BR-VT đã khởi động xây dựng Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”. Hồi tháng 5.2024, tỉnh đã tổ chức hội nghị để huy động ý tưởng và sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu nhận diện những vấn đề thực tiễn, và đề xuất các ý tưởng, giải pháp phát triển kinh tế biển BR-VT trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những ý kiến đóng góp đã giúp cho tỉnh có nhiều góc nhìn khác nhau về tiềm năng, lợi thế và định hướng để phát triển kinh tế biển tỉnh BR-VT.

Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” đã đề ra một số quan điểm, định hướng chính như: Xây dựng tỉnh BR-VT trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; Phát triển nền kinh tế biển một cách bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế vành, bảo giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận, bao gồm cả các địa phương không có biển; Phát triển nền kinh tế biển tỉnh BR-VT một cách hài hòa giữa ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; Nền kinh tế biển tỉnh BR-VT phải thực sự lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố tạo đột phá cho phát triển.

Hồng Cầm