Định hướng phát triển, thu hút và kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Ninh Thuận

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 15:56, 15/11/2024

UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Danh mục 55 Dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 30/3/2024, trong đó có 18 dự án thuộc lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ, Du lịch; 14 dự án thuộc lĩnh vực Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản; 09 dự án thuộc lĩnh vực Năng lượng, Năng lượng tái tạo; 09 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp chế biến, Chế tạo; 05 dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp.
p1(1).jpg
Hội nghị Kết nối, Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh

Quy hoạch chiến lược tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản. UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư và kêu gọi các dự án trọng điểm của tỉnh, cụ thể:

Cơ sở hạ tầng: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng tính kết nối vùng, phát huy hiệu quả hệ thống giao thông và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, như: sân bay Thành Sơn; Hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná; tuyến đường sắt kết nối với Nhà ga Cà Ná đến Cảng biển; hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; đường sắt Tháp Chàm Đà Lạt; Cảng cạn và Trung tâm logistics hạng II.

Lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo: Mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước, với hệ thống các nhà máy năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, trong đó một số dự án lớn đang triển khai như Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 (1.500MW), dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái 1.200MW, dự án nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa 1.200MW. Phát triển nguồn năng lượng Hydro xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết tại COP26. Theo Quyết định số 1281/QĐ-TTg ngày 29/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận.

p2(1).jpg
Với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch: Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ cao cấp, cơ sở du lịch đặc thù, khác biệt có tính cạnh tranh cao như du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu du lịch chuyên đua mô tô địa hình trên cát, dù lượn, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng chăm sóc sức khỏe... để hình thành các sản phẩm du lịch. Thu hút đầu tư Trung tâm logistics Cà Ná, Cảng cạn để nâng cao dịch vụ, tạo động lực phát triển công nghiệp. Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045, mục tiêu thu hút đầu tư phát triển các khu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận, trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế.

hinh-vinh-vinh-hy.jpg
Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia

Lĩnh vực công nghiệp: Ninh Thuận có 03 Khu công nghiệp (Du Long, Phước Nam, Thành Hải) với tổng diện tích 855,187ha và 01 khu công nghiệp Cà Ná 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thuận lợi về giao thông, có cảng biển nước sâu khả năng tiếp nhận tàu công suất đến 300.000DWT, hướng đến là Cảng trung chuyển quốc tế, gắn với trung tâm logistic của khu vực. Bên cạnh đó, các dịch vụ điện, nước và hạ tầng thiết yếu khác được đảm bảo, quỹ đất còn khá lớn là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai.

Ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp sạch, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến....; tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án tạo đột phá trong tăng trưởng ngành công nghiệp như: Tổ hợp nhà máy hóa chất sau muối, Dự án Nhà máy sản xuất Hydrogen,…

Nông nghiệp, thủy sản: Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để có sức cạnh tranh cao, tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng cho tỉnh như cây nho, táo, tỏi… Phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi như bò, dê, cừu; xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.

Xây dựng và kinh doanh bất động sản: Tập trung thu hút xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đô thị - nông thôn đồng bộ, hiện đại, góp phần phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Danh mục 55 Dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 30/3/2024, trong đó có 18 dự án thuộc lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ, Du lịch; 14 dự án thuộc lĩnh vực Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản; 09 dự án thuộc lĩnh vực Năng lượng, Năng lượng tái tạo; 09 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp chế biến, Chế tạo; 05 dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp.

Châu Minh Chinh